Tục ”đi sim” của người Pa Kô - Vân Kiều bị biến tướng

Từ bao đời nay, bản làng vùng miền núi phía tây Quảng Trị của người dân tộc Pa Kô - Vân Kiều vẫn tồn tại một văn hóa đặc sắc riêng biệt, đó là tục “đi sim”. Đây là nét sinh hoạt lãng mạn để các đôi nam nữ yêu nhau bày tỏ tình cảm chân thành của mình. Thế nhưng, cơn lốc của cuộc sống hiện đại đã làm biến tướng giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, để lại những hệ quả đáng buồn sau những “chuyện tình một đêm”…

Ngày xửa, ngày xưa…

Để có cái nhìn đúng với thực tế về nguồn gốc của tục “đi sim” xưa, chúng tôi đã có một cuộc hành trình đến các bản làng ở xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, Quảng Trị. Theo chân một người bạn dẫn đường, chúng tôi tìm gặp được cụ Hồ Gia, 81 tuổi (bản A Pun, xã Tà Rụt), một trong những người còn lưu giữ được nét văn hóa xưa kia của xứ sở non cao. Tiếp khách trong căn nhà gỗ mộc mạc, in đậm mùi thời gian, cụ đăm chiêu nói: “Ngày già còn trẻ, đám con trai trong bản ngày nào cũng tụ tập trước ngõ đông lắm muốn cùng được “đi sim” trong các đêm lễ, như lễ Ruh Boh. Đến ngày đó, già làng sẽ thắp hương với thần Knieq (thần nương rẫy) vì sự khuấy động của dân bản trong suốt thời gian canh rẫy. Sau đó, căn chòi canh rẫy sẽ được giao lại cho các đôi nam nữ đã đến tuổi trưởng thành nào có tình ý với nhau để “đi sim” tìm hiểu. Nếu đôi nam nữ nào cảm thấy “ưng cái bụng”, thì người con trai phải báo với gia đình và Trưởng bản để chọn ngày lành, tháng tốt đem lễ vật đến xin cưới hỏi người con gái. Lúc bấy giờ, tục “đi sim” cũng đã có quy định rõ là các đôi chỉ được phép tìm hiểu, trò chuyện chứ không được quan hệ trước hôn nhân, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt nặng, có khi còn bị đuổi ra khỏi bản.

Mái ấm gia đình như thế này có phải là niềm ước ao quá xa với của biết bao sơn nữ sau nhưng đêm Sim thời hiện đại..?


Tục xưa đã định, khi đã phải lòng nhau, thì chàng trai được phép chủ động đến dưới chỗ nằm của cô gái, ra tín hiệu bằng cách dùng cành cây gõ vào gỗ nhà sàn, nếu cô gái đã có vẻ “xiêu lòng” thì cánh cửa được mở ra và cả hai sẽ cùng trò chuyện suốt đêm và trao cho nhau những câu hát giao duyên, tình ái qua làn điệu Xoang, Tà Oải, Xà Nớt... Luật tục cũng đã nói rõ, trong đêm sim đó cả hai chỉ được phép mang gối và rải lá cây khô để lót chứ nhất định không được đem chiếu hoặc xếp lá cây tươi để nằm. Bởi lẽ, nếu chẳng may đôi nam nữ lỡ “ăn cơm trước kẻng” mà chưa được sự cho phép của gia đình, Trưởng bản thì sẽ bị phạt nặng (1 con trâu, 7 con gà, 7 chai rượu, 1 thúng gạo nếp). Quy định khắt khe là vậy thế nên trong bản khó ai mà dám vi phạm. Đồng thời, tục “đi sim” cũng thể hiện rõ sự tự nguyện của đôi bên khi đến với nhau, không có bất cứ một sự gán ghép, sắp đặt nào cả, người đến sau thì nhường cho người đến trước, nếu không hợp thì mới đến lượt mình. Và đó đã trở thành một tiềm thức qua bao thế hệ của người dân bản cao và họ có thể tự hào rằng, nhờ có tục “đi sim” mà các bản làng thắt chặt được tình đoàn kết với nhau, tính cộng đồng được đề cao hơn, và cũng là một hoạt động văn hóa độc đáo, tốt đẹp chỉ có riêng ở vùng Vân Kiều – Pa Kô này.

Làm mẹ từ thuở… 15

Tuy nhiên, một nỗi lo đang ngày càng hiện hữu, không chỉ riêng cụ Hồ Gia mà còn rất nhiều già làng khác mỗi khi nhắc đến tục “đi sim”, đó là sự biến tướng một cách quá tiêu cực do ảnh hưởng của lối sống xa hoa hiện đại, khiến nhiều nơi lợi dụng biến thành các hoạt động mại dâm trá hình, làm băng hoại các giá trị truyền thống tốt đẹp mà biết bao thế hệ đi trước đã gìn giữ…

Sự thiếu hiểu biết và ảnh hưởng của nét văn hóa xấu, có thể giết chết tuổi thơ của các em tự lúc nào không hay


Những biến tướng nếu đi ngược lại với giá trị văn hóa của cha ông, phá vỡ những quy tắc đạo đức mà xã hội đã đặt ra, chắc hẳn sẽ đem đến những hậu quả chẳng tốt đẹp gì. Trong từng nếp nhà mà anh bạn dẫn đường đưa tôi đến tìm gặp phần lớn đều có những điểm chung: Đó là ánh mắt ngơ ngác, thơ dại của những đứa trẻ chẳng biết cha mình là ai, đó là khuôn mặt thẫn thờ, thấm đẫm nước mắt khi nghe hỏi đến ”người tình trăm năm” của mình ở đâu…? của những thiếu phụ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có 3 – 4 mặt con. Thật đáng để chúng ta suy nghĩ.

Hậu quả của những đêm sim thời hiện đại bị biến tướng, rõ ràng nhất đó là cái đói, cái nghèo luôn bủa vây...


Chị Hồ Thị Khả, 24 tuổi (bản Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông) đã không cầm được nước mắt khi nghe hỏi về cuộc đời của mình, kể từ buổi đầu tiên biết “”đi sim” thời hiện đại” là như thế nào… Trước đây, cũng như bao cô gái cũng trang lứa khác, luôn khát vọng mong tìm được một người tình hợp ý để gắn kết trăm năm và chị đã nhận lời “đi sim” với một anh chàng bản bên chỉ trong vài buổi trò chuyện ở quán cà phê, hàng đêm cứ như tục lệ chị lại cùng người con trai ấy mang chiếu, gối ra sau rừng để “đi sim”. Sau những đêm tình chớp nhoáng như vậy, chị mới nhận ra mình đang mang thai, nhưng người đàn ông phụ bạc khi nghe tin ấy đã thẳng thừng từ chối, thậm chí mắng nhiếc chị đủ điều. Đôi lần chị tìm đến cái chết, nhưng rồi vì thương con, gia đình khuyên bảo chị mới nuốt nước mắt vào lòng, sinh con và nuôi cho đến tận bây giờ. Đau lòng hơn là trường hợp chị Hồ Thị Bơi (bản A Đăng, xã Tà Rụt), tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, nhìn người “phụ nữ” với dáng điệu gầy gò, khắc khổ ít ai ngờ rằng cô năm nay mới 16 tuổi nhưng đã có 2 mặt con, và càng bất ngờ hơn khi nghe rằng trước đây em là người đẹp nhất vùng, biết bao chàng trai theo đuổi, nhưng rồi cuộc đời em đã sang trang mới “nhàu nát” hơn chính từ những đêm sim “biến tướng”, khi “tác giả” của cái thai trong bụng cô cũng thẳng thừng từ chối, xua đuổi…

Tuổi thơ của các em sẽ về đâu khi thiếu vắng sự yêu thương, săn sóc đầy đủ của cả cha lẫn mẹ


Còn nhiều, nhiều nữa những trường hợp đáng thương của những bà mẹ tuổi 15, 16 nhưng đã mang trên mình trọng trách nặng nề, với áp lực quá sức bởi sự thiếu hiểu biết và biến tướng một cách đáng báo động về tục lệ “đi sim” hiện nay ở một số bản làng huyện Đakrông.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ UBND xã tâm sự: “Do ảnh hưởng của các luồng văn hóa xấu bên ngoài, nên tục “đi sim” đang dần trở thành một tệ nạn đáng báo động. Đặc biệt còn dẫn tới nạn tảo hôn, chúng tôi đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng vì là vùng dân tộc nên họ viện nhiều lý do, thậm chí khai hơn tuổi, hoặc làm lén lút. Rồi hậu quả dẫn đến là sự nghèo đói của nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ quyết tâm cố gắng hơn nữa, thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tệ nạn đau lòng này”.

Chia tay với những bản làng của núi rừng hùng vĩ, đó đây trong từng nếp nhà vẫn vang lên từng tiếng cười của lũ trẻ thơ dại, mà nhiều em còn không biết cha mình là ai, không biết thế nào là hạnh phúc thực sự đúng nghĩa của một gia đình. Trong cái không gian tĩnh mịch đó, bỗng lời ru của một thiếu nữ vang lên một cách thanh khiết vang vọng qua từng vách núi, khiến chúng tôi không khỏi ái ngại khi tự hỏi rằng: “Liệu đây là lời ru chỉ dành riêng tình thương cho con hay còn đang khóc than cho số kiếp bạc bẽo mà cuộc đời đã đè lên vai mình…”.

Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Nhất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN