Tuần lễ hàng nội, bán hàng... ngoại

Ngược với nội dung “Tuần lễ hội ngộ hàng Việt” Đà Nẵng năm 2014 đang diễn ra ở Công viên 29/3 do UBND quận Thanh Khê phối hợp với Công ty TNHH Hà Thanh Trí tổ chức, những ghi nhận của phóng viên cho thấy tại đây có những mặt hàng Việt chất lượng trung bình; hàng hóa nước ngoài có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan cũng được bày bán tràn lan với giá rẻ không ngờ.

Vòi tắm hoa sen giới thiệu tại hội chợ có dòng chữ “Made in Japan”.


Khai mạc tại Công viên 29/3 vào ngày 8/11, sự tham gia của 150 doanh nghiệp (DN) với 200 gian hàng thu hút đông đảo người dân thành phố. Nhìn qua công tác tổ chức, đầu tư xây dựng, chuẩn bị hàng hóa tại đây dễ cho cảm nhận đây là một chương trình hết sức có ý nghĩa, cổ vũ cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại “Tuần lễ hội ngộ hàng Việt” đã đi ngược với kỳ vọng giúp người dân yên tâm hơn mua sắm, tiêu thụ sản phẩm của DN trong nước.

Khách hàng đến tìm hiểu mua hàng tại “Tuần lễ hội ngộ hàng Việt” không khó bắt gặp những sản phẩm gia dụng được giới thiệu do DN Việt Nam sản xuất nhưng lại không có bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ của nhà sản xuất cũng như địa chỉ DN.

Chúng tôi ghé vào gian hàng trưng bày đồ nhựa, nơi có bán bộ tỉa rau củ, trái cây đa năng… với khá đông người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm, thì nhân viên bán hàng cho biết: Đây là sản phẩm DN trong nước 100%  nhưng nhân viên đã tháo nhãn mác ra khỏi sản phẩm rồi!

Ở địa điểm khác, gian hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Anh Đức có địa chỉ tại Bình Trị Đông, thành phố Hồ Chí Minh bày bán thiết bị vòi tắm hoa sen khá bắt mắt nhưng khi cầm lên thì nhiều người hết sức ngạc nhiên vì công ty Việt Nam chỉ là đơn vị nhập khẩu và phân phối, còn sản phẩm được in dòng chữ nổi “Made in Japan” trên mặt vòi.

Tương tự, gian hàng của Công ty TNHH Đầu tư thương mại quốc tế Thuận Phát (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) tiếp thị rất nhiệt tình sản phẩm máy xay đa năng nhãn hiệu Besuto xuất xứ Nhật Bản. Khi các khách hàng muốn khẳng định đây có phải là hàng Việt Nam hay không, thì nhân viên khẳng định “như đinh đóng cột” là không phải hàng trong nước, cũng không phải là hàng liên doanh.

“Ở đây có tem chống hàng giả hẳn hoi, bảo hành 3 năm, nếu mua ngay tại hội chợ sẽ được giảm tới 700.000 đồng/chiếc, qua ngày khai trương thì không còn ưu đãi nữa”, một nhân viên nam sốt sắng.

Ở nhóm hàng thời trang, các gian hàng quần áo, đồ thun người lớn và trẻ em dồi dào về số lượng. Từ cổng chính của công viên đi vào, một gian hàng đồ lót nam nữ án ngữ với tấm bảng “Hàng Việt Nam” nhưng bên phía dưới lại chú thích thêm “hàng Thái” giá chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/cái. Các chủ hàng cũng không ngại ngần treo những bộ quần áo còn gắn nguyên cả mác chữ bằng tiếng Trung Quốc trên sản phẩm.

Trong không gian nhập nhoạng, hàng trong nước lẫn hàng ngoại cứ đan xen trong mớ dây treo đồ, lủng lẳng trước mặt khách với các biển bảng quảng cáo “hàng thanh lý”, “hàng giảm giá” chỉ với 30.000-50.000 đồng/cái. Khi chúng tôi tò mò với chiếc quần có đính mác bằng chữ Trung Quốc và không hề có nhãn phụ tiếng Việt thì một nhân viên nữ giải thích: “Đây là hàng sản xuất tại Sài Gòn, công ty của Việt Nam nhưng do ông chủ là người Trung Quốc nên nó mới có gắn mác chữ vậy” (!?).

Đáng chú ý hơn, hàng chục gian hàng không chỉ vô tư bán hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan kể cả hàng xôn trong nước với giá rẻ bèo mà còn nghiễm nhiên vi phạm về nhãn mác, kiểu dáng của các thương hiệu lớn trên thế giới. Tại quầy T.V – nơi có đông đảo bạn trẻ là sinh viên, công nhân túm tụm lại lựa chọn những món hàng chỉ từ 50.000-80.000 đồng/ví da, thắt lưng giả nhãn mác Gucci, Milano, Calvin Kalein, Boss…

Với những gì đã và đang diễn ra tại “Tuần lễ hội ngộ hàng Việt”, người tiêu dùng đã hoàn toàn bất ngờ với cách tổ chức lợi dụng chương trình hàng Việt để bán hàng ngoại và hàng xôn giá rẻ. Điều này chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc quảng bá hàng Việt Nam đang được xây dựng trên nền tảng hàng chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh Nhà nước đang tuyên truyền người dân không quay lưng với hàng Việt.


Theo DIỆP NHƯ
(Báo Đà Nẵng điện tử)

Gắn kết sản xuất - phân phối hàng Việt
Gắn kết sản xuất - phân phối hàng Việt

Mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối ở Việt Nam đang rất lỏng lẻo, manh mún. Điều này khiến cho hàng hóa khó khăn khi vào siêu thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN