Gắn kết sản xuất - phân phối hàng Việt

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối ở Việt Nam đang rất lỏng lẻo, manh mún. Điều này khiến cho hàng hóa khó khăn khi vào siêu thị. Báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Vinh Phú về tình trạng này.

Thưa ông, ông có biết về tình trạng các DN khi đưa hàng hóa vào siêu thị bị gây khó khăn?

Thực tế đúng là có một số siêu thị gây khó khăn khi DN đưa hàng vào. Tuy nhiên, ta phải đánh giá cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, siêu thị cũng có cái đúng vì hàng hóa mà không có hóa đơn, không có thương hiệu, bao bì, mã vạch, không đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap thì họ không chấp nhận. Về chủ quan thì việc siêu thị yêu cầu chiết khấu cao 20 - 30%, phí tạo mã, yêu cầu phải giảm giá nhiều… là khó chấp nhận. Ở đây, các mối quan hệ không bình đẳng và giá bị đẩy lên cao. Trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam có ghi: “Không được từ chối nhận hàng khi không có lí do chính đáng”. Câu này rất hay nhưng không cụ thể. Thế nào là lí do không chính đáng, không có căn cứ cụ thể.


Việc này sẽ tác động như thế nào đến DN, cũng như nền kinh tế, thưa ông?


Mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ đang có vấn đề thì lại thêm sứt mẻ. Hàng đẹp, hàng ngon không vào được siêu thị vì nhiều lí do. Cần lưu ý là tổng cầu đang suy yếu nhưng giá vẫn cao. Một kg thịt thăn bao nhiêu tháng nay vẫn giữ giá 100.000 đồng, xăng giảm 7 lần mà giá vẫn không giảm. Đó chính là do các siêu thị đòi chiết khấu cao quá. Có siêu thị đòi phí tạo mã 100 USD là quá cao đối với các mặt hàng có giá trị thấp như rau quả, hàng tiêu dùng… Việc giá hàng hóa bị đẩy lên cao sẽ tác động đến tổng cầu của toàn thị trường, làm giảm cho sức mua của xã hội, đặc biệt là các đối tượng nghèo. Tác hại khác là làm thui chột sản xuất, triệt tiêu tiêu dùng khiến 2 phía đều “chết”. Các nước họ tạo chuỗi sản xuất - phân phối gắn như keo trong khi ở ta thì ngày càng lỏng lẻo, manh mún.


Một số DN cho biết rất muốn đưa hàng hóa vào siêu thị nhưng lại gặp khó khăn, ông nghĩ sao về điều này?


Nói đi cũng phải nói lại. Cần nhìn nhận DN đã có thương hiệu chưa, xây dựng quy trình sản xuất chưa? DN phải tham khảo, tìm hiểu Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM năm 2004 của Bộ Thương mại (cũ) để chủ động hoàn tất thủ tục đưa hàng vào siêu thị. Nhà nước hiện nay không hỗ trợ gì về việc này, kinh phí xúc tiến thương mại không đáng bao nhiêu, DN phải tự vươn lên. Nhà nước cũng không thể quy định mức chiết khấu cụ thể của siêu thị bởi theo cơ chế thị trường thì các DN tự thỏa thuận.


Thưa ông, Bộ Công Thương cần làm gì để mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bền chặt hơn, tạo điều kiện để hàng hóa Việt vào siêu thị dễ dàng?

Tôi xin đưa ra một số giải pháp chính để “bắt bệnh” mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, bán lẻ. Một là, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, có thương hiệu… để hàng vào được siêu thị. Nếu tuân thủ đúng tiêu chuẩn mà hàng vẫn không vào được thì lại là chuyện khác. Thứ hai, phải gắn sản xuất - phân phối thành từng chuỗi. Bài học từ gà Yên Thế sản xuất ra mà không bán được. Giá gà “đội” nhiều chi phí lên mức 170.000 đồng/kg là quá cao.

Thứ ba, các nhà sản xuất và bán lẻ phải học tập nước ngoài tạo dựng mối quan hệ. Nhà marketing bậc thầy Philip Kotler cũng cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là hàng hóa mà là tạo dựng mối quan hệ. Chẳng hạn, siêu thị Walmart chia sẻ hết thông tin về tồn kho hàng hóa với các nhà sản xuất để cùng bắt tay giải quyết, trong khi ở ta thì không. Thứ tư, chống độc quyền, tiếp tục mở nhiều siêu thị để các DN sản xuất có thêm cơ hội. Thứ năm, loại trừ các nhóm lợi ích đẩy giá lên cao. Hiện nay, nhóm lợi ích đang “xâu xé” sản xuất - phân phối. Giá đường tại nhà máy chỉ có 12.000 đồng/kg nhưng khi về siêu thị thì giá lên 21.000 - 25.000 đồng/kg, phải qua 3 đại lý mới đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, phải xây dựng lại pháp luật về cạnh tranh, xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hồng - Lê Nghĩa
Hàng Việt ngày càng khó vào siêu thị
Hàng Việt ngày càng khó vào siêu thị

Siêu thị là một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đường vào siêu thị đối với hàng hóa “made in Việt Nam” hiện nay lại không hề đơn giản...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN