Những ca cấp cứu tưởng như không thể
Dịp 27/7 năm nay, do dịch bệnh COVID-19 nên không thể trực tiếp gặp gỡ các đồng đội cũ, đi thăm chiến trường xưa, nhưng ông Bùi Đức Hạp, người y tá, thương binh trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa, vẫn rộn ràng gọi điện thăm hỏi mọi người, ôn lại kỷ niệm về những năm tháng oanh liệt của tuổi trẻ.
Sống trong căn nhà nơi ngõ nhỏ ở Long Biên, Hà Nội, tuổi già về hưu đã an nhàn, ông vẫn tranh thủ lúc còn sức khoẻ, còn minh mẫn để làm cầu nối liên lạc với các đồng đội cũ. Trong những câu chuyện của mình, đôi mắt ông vẫn ánh lên khí thế hừng hực của những giây phút sinh tử trong bom đạn.
Sinh ra ở miền quê Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình với truyền thống “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ; từ nhỏ ông Bùi Đức Hạp đã được hun đúc tinh thần yêu nước, quả cảm.
Năm 1968, bước sang tuổi 18, còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chàng thanh niên Bùi Đức Hạp tuy thiếu ăn, gầy gò nhưng đã tự tay viết đơn tình nguyện, ký bằng máu xin nhập ngũ, theo chân người anh trai đang là bác sĩ trong chiến trường.
Ngày 23/7/1968, chàng thanh niên Bùi Đức Hạp nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện, đến đầu năm 1969, ông theo đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam.
“Lúc đó, tôi được phân về Trung đoàn 320, được cử đi học y tá. Nhập học được một thời gian ngắn thì Chiến tranh Đông Dương xảy ra, tôi lại vừa học vừa hỗ trợ cho đơn vị chiến đấu, điều trị thương binh. Lúc đó, lớp y tá của Trung đoàn 320 chủ yếu là các thầy tự dạy chúng tôi để phục vụ gấp cho chiến trường, chúng tôi vừa di chuyển theo đơn vị, vừa học”, ông Hạp kể.
Trong chiến trường, các chiến sĩ bị thương rất nhiều, y tá Bùi Đức Hạp phải nỗ lực hết sức vì điều kiện y tế, bông băng, thuốc men thiếu thốn đủ đường. Băng gạc thậm chí phải hấp lên khử trùng rồi dùng đi dùng lại. Thời chiến, thiết bị y tế cũng thiếu thốn đến mức chỉ cần làm gãy 1 chiếc bơm tiêm hay đánh vỡ chiếc nhiệt kế, thì khó có thể khắc phục được. Với tinh thần nghiêm túc học tập và làm nghề cẩn thận, trách nhiệm, y tá Bùi Đức Hạp đã tốt nghiệp với điểm tuyệt đối, xuất sắc nhất lớp.
Sau khi tốt nghiệp lớp y tá, ông Hạp ở lại C23, là đơn vị bệnh xá của Trung đoàn 320 phục vụ thương binh. Cho đến tháng 2/1971, ông được bổ sung vào chiến trường, và đi theo đại đội đặc công C25 cho đến tận ngày giải phóng. Đơn vị C25 đóng quân và chiến đấu chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Dụ, Đức Hoà, Đức Huệ, của tỉnh Long An.
“Đơn vị tôi có 3 y tá, được phân công mỗi người đi theo một trung đội. Chúng tôi phải làm việc độc lập, toàn quyền phụ trách xử lý thương binh tại đơn vị, trong khi thông tin liên lạc khó khăn, cũng không có ai để hỏi về chuyên môn. Vì vậy, tôi phải tận dụng tối đa kiến thức đã học về cứu để áp dụng trong từng trường hợp. Cũng vì có một mình phụ trách y tế của cả đơn vị nên không chỉ điều trị mà tôi còn kiêm hết từ việc chăm sóc bệnh đến cơm cháo, giặt giũ cho thương binh...”, ông Hạp nhớ lại.
Đơn vị đặc công có đặc thù riêng là hoạt động luồn sâu, ém sát, đánh từ trong đánh ra, tuyệt đối bí mật, bất ngờ. Vì vậy, các chiến sĩ luôn phải đi điều tra, nghiên cứu và tổ chức các trận đánh. Ông Hạp cùng đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh thắng lợi giòn giã. Như trận đánh địch ở xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, Long An vào khoảng tháng 7/1972. Trong trận này, đơn vị đặc công đã đánh nhanh, rút gọn; và đã thắng lợi, thu được nhiều vũ khí của địch sau đó tặng lại cho huyện.
Tuy nhiên cũng có những trận bị tổn thất nhiều, ông Hạp vẫn còn run run khi nhớ về những trận đánh phải liên tục cấp cứu nhiều đồng đội bị trọng thương.
Ông kể: “Tôi vẫn nhớ mãi trận đánh vào đồn địch ở xã Đức Tân, Tân Trụ, Long An. Trận này, tuy đơn vị không có người hi sinh nhưng các chiến sĩ bị thương nặng rất nhiều. Trận đó, chúng tôi có 16 người tham gia, chia làm 3 mũi chính. Trong tình thế địch bố trí 4 góc 4 lô cốt, ở giữa chúng bố trí súng đại liên, lựu đạn, súng cối… Quân ta đã đi khảo sát và thống nhất 12 giờ 5 phút nổ súng. Nhưng khi chúng tôi đi vào bỗng thấy phát sinh thêm 1 hàng rào so với khi đi điều tra trước đó. Chúng tôi phải loay hoay nên chậm mất giờ. Ở phía ngoài, đơn vị bố trí 2 chiến sĩ là lính mới bổ sung, một người giữ khẩu B40, một người giữ khẩu AK trực sẵn. Chúng tôi vào trước nên dặn các cậu ấy ở ngoài, chờ chúng tôi vào đánh, khi nổ súng rồi mới vào. Nhưng khi đội vào bên trong thì bị chậm giờ, đến giờ nổ súng, 2 chiến sĩ ở ngoài nghĩ là bên trong đã ém sẵn, sẵn sàng nên đi vào, trong lúc dìm khẩu B40 xuống nước, vô tình tấm nilon bọc bị tuột ra đã phát ra âm thanh khiến địch phát hiện. Lúc đó, tôi còn biết trưởng đồn của địch đã nói: “Tụi bay cẩn thận, cộng sản nó vô đấy”.
Ngay sau đó, địch liền nổ súng theo hướng chúng nghi có quân của ta. Sau khi bị lộ, quân ta ném thủ pháo, lựu đạn, bắn B40 từ bên ngoài vào và rút lui. Rất may trận đó, dù quân ta hầu như bị thương hết nhưng vẫn rút ra an toàn, không có ai hi sinh.
"Trong trận đó, đơn vị có 2 chiến sĩ bị thương rất nặng. Trong đó có chiến sĩ Phùng Thành Đồng bị địch bắn trọng thương, vết thương thấu phổi; ngay lập tức tôi phải đưa cậu ấy ra, lấy một cuộn băng to úp vào cả đằng trước ngực và sau lưng chỗ vết thương, sau đó lấy nilon bọc bên ngoài rồi quấn tạm lại để đưa ra phía sau, cho ra xuồng, trực tiếp vừa theo dõi vừa đưa về tuyến sau cấp cứu. Trước đó, một chiến sĩ khác cũng bị thương thủng ruột; vì cấu trúc của ruột là xếp thành tầng nên đạn xuyên vào thủng rất nhiều chỗ. Trường hợp thủng ruột này, không thể điều trị ngay tại chỗ nên tôi phải tiêm cầm máu, sơ cứu cho chiến sĩ để chuyển về tuyến sau. Đó cũng là trận tôi phải rất vất vả để cứu thương cho anh em trong đơn vị. Sau đó, vừa rút quân vừa tích cực điều trị cho thương binh”, ông Bùi Đức Hạp vẫn còn run run nhớ lại.
Thực tế trong y học, với những vết thương nặng như vậy mà không được cấp cứu kịp thời trong 24 giờ, có thể tử vong. Trong khi đó, với trường hợp của chiến sĩ Đồng, phải mất 48 tiếng đồng hồ sau mới đưa được tới bệnh viện để tiếp tục cấp cứu. Cả hai chiến sĩ bị thương nặng đợt ấy đều sống sót. Đó cũng là trận đánh mà ông Hạp nhớ như in, vẫn toát mồ hôi khi nhớ lại.
“Sau đó mọi người cũng ngỡ ngàng nói với tôi rằng: “Hạp ơi, ngoài sức tưởng tượng, sách vở không dạy thế đâu, mà ca này tận 48 tiếng sau vẫn cứu được”. Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn rất khâm phục anh em chiến sĩ, trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn thuốc men họ vẫn có sức chống chịu rất tốt, có lẽ sự rèn luyện, tinh thần chiến đấu khiến họ có sức mạnh thần kỳ để vượt qua những lần bị thương thập tử nhất sinh như vậy”, ông Hạp xúc động.
Làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh nhưng chính y tá Bùi Đức Hạp cũng là thương binh, đi qua các trận đánh, trên người ông cũng đầy dấu vết của bom đạn; ở cả chân trái, vai phải, vết thương gần mắt. Lần bị thương nặng nhất với ông là trong một trận đánh gần ngày giải phóng.
Đó là vào tháng 4/1975, khi đơn vị ông chiến đấu ở xã Đạo Thạnh, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Trong trận này, quân ta định vượt sông Bảo Định, đoạn sông này chỉ rộng khoảng 30-40 mét; nhưng địch lúc đó đã co cụm, cũng muốn sang bên này. Lúc này địch đã bị ta vây ép nhưng chúng vẫn dùng dằng. Khi quân ta nổ súng, địch bắn trả quyết liệt.
"Đang chiến đấu thì tôi bị trúng đạn vào vai phải, đạn sượt qua cạnh mắt. Lúc đó máu chảy lênh láng khắp mặt, tôi đau nên phải ôm mặt, tự hình dung xem mình bị thương ở những vị trí nào. Mọi khi tôi là người cấp cứu cho đồng đội; nhưng lúc đó, đồng đội tôi là người giúp tôi. Anh em băng tạm vết thương lại cho tôi, đưa tôi về tuyến sau".
Sau đó y tá Bùi Đức Hạp được đưa về một trạm phẫu thuật ở gần đơn vị của địa phương để điều trị. Những ngày nằm điều trị trong lòng cũng không khỏi sốt ruột về tình hình của đơn vị, cũng may đây cũng là trận đánh lớn cuối cùng trước ngày giải phóng của đơn vị ông.
Trước đó, trong trận đánh ở chiến trường Long An năm 1972, ông cũng bị trúng đạn, bị thương nặng ở chân trái. Những ngày trong chiến trường, không ai không tránh khỏi bom đạn, nhưng ông cho rằng mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội vì vẫn còn sống, vẫn lành lặn để trở về. Sau này ông được công nhận là thương binh hạng 4/4.
Luôn vì đồng đội
Trong điều kiện gian khổ chiến trường, y tá Bùi Đức Hạp cũng nhiều lần phải vận dụng hết kiến thức và kinh nghiệm của mình để “vượt tuyến” làm cả những ca khó.
Ông Hạp kể: “Có lần tôi cùng với y tá Tô Ngọc Quế cùng đơn vị phải thực hiện tháo khớp ngón tay cho một chiến sĩ bị mảnh đạn xuyên xẻ vào ngón. Công việc đó như hiện nay là phải các bác sĩ mới được thực hiện, y tá không được làm nhưng lúc đó trong bối cảnh chiến trường, chúng tôi phải xắn tay vào làm, rất may đã xử lý được thành công. Lúc đó tính mạng, sức khoẻ của đồng đội phải đặt lên hàng đầu, trách nhiệm của chúng tôi rất lớn”.
Không chỉ công tác cấp cứu khó khăn, những trang bị thuốc men, bông băng thời điểm đó cũng rất khó mua. Thậm chí, có những trận bị địch đánh phá, thứ gì có thể bỏ lại chứ thùng thuốc thì không thể, bằng mọi giá luôn phải bảo toàn thùng thuốc bên người. Đóng quân ở đâu, ông đều phải bám vào dân để nhờ người dân hỗ trợ việc mua sắm thuốc men.
“Thời gian đóng quân ở Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, Long An, tôi có quen một cô bé tên là Ngọc Điệp khoảng 16 tuổi; tôi thường xuyên phải nhờ cô bé đi mua thuốc, bông băng hộ, về thanh toán tiền sau. Cô bé còn nhỏ, nên dễ dàng đi lại, ít bị địch chú ý. Quý bộ đội nên sau này cô bé ấy cũng xung phong nhập ngũ, tham gia quân giải phóng. Hay cũng có những người như chị Chín Tuyết, Năm Ty, Bảy Xuân... là những người dân ở đây đã gắn bó với chúng tôi, hỗ trợ nhiệt tình, thương yêu, hết lòng vì bộ đội. Họ quý và thương chúng tôi lắm”, ông Hạp kể.
Trong ngày tháng chiến đấu, phục vụ y tế trong chiến trường, ông đã trải qua đủ những vui buồn, có những lúc đau đớn nhìn đồng đội ra đi, có những lúc vui mừng cứu sống được thương binh; nhưng niềm vui lớn nhất với ông Hạp có lẽ là phút nghe tin chiến thắng.
“Thời điểm ngày 30/4, đơn vị tôi đang ở xã Đạo Thạnh, Châu Thành, Mỹ Tho (bây giờ là Tiền Giang), chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị hết quân tư trang để chuẩn bị đưa quân chính quy vào tiếp quản thành phố Mỹ Tho.
Khoảng 10 giờ 30 ngày 30/4, chúng tôi nhận thông tin quân ta sẽ vào Thành phố Mỹ Tho muộn hơn dự định. Đến 11 giờ, thấy im tiếng súng, tôi lấy radio từ trong hòm đại liên ra nghe. Đến 11 giờ 30 phút thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Vừa nghe tin, chúng tôi sung sướng quá, tất cả liền ùa lên, cảm xúc lúc đó rạo rực vô cùng, chúng tôi sung sướng lắm”, ông vẫn còn hồi hộp.
Tối 30/4, đơn vị của ông đã vào đến tiếp quản Mỹ Tho, đêm đó vui quá mọi người đều thức trắng đêm, không ai ngủ được. Lúc đó tuy quân địch rất đông nhưng đã hoảng loạn, chỉ đến sáng 1/5 mọi thứ trong việc tiếp quản thành phố đã được sắp xếp đâu vào đấy.
“Chiến tranh quá khốc liệt nhưng tinh thần chiến đấu của chúng tôi những ngày tháng đó, đúng là quả cảm, can trường. Trong chiến trường, anh em chiến sĩ sinh tử bất kỳ, sống sót với nhau được vài tháng đã là quý lắm. Lúc đó, chúng tôi chỉ với mục đích là đi đánh giặc, là chiến đấu hết mình, đi qua được từng trận đánh chứ ai nghĩ được sau này được đeo trên người bao nhiêu huân, huy chương”, ông Hạp tâm sự.
Sau khi miền Nam giải phóng, tháng 1/1976, ông Bùi Đức Hạp ra Bắc, được đơn vị cho đi học tại Thanh Hoá. Lúc đó, anh trai ông vẫn đang là bác sĩ quân y mong muốn mỗi người nên học một nghề khác nhau nên ông quyết định sau thi và đi học, sau về về công tác tại Bộ Nội thương. Tuy không còn theo ngành y nhưng những ngày làm nhiệm vụ y tá trong chiến trường vẫn không thể nào quên, là quãng đời tự hào nhất.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày kỷ niệm 30/4 hay 27/7 là chúng tôi rạo rực lắm. Đến nay, tôi vẫn luôn hài lòng với những gì tôi đã chiến đấu và phấn đấu, cống hiến. Khi còn là y tá trong chiến trường, tuy khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi để trường hợp nào bị áp xe, chưa từng đánh mất hay làm vỡ chiếc nhiệt kế nào, luôn cố gắng để có thuốc, để tìm cách cứu chữa cho anh em chiến sĩ… Đến bây giờ những câu chuyện ấy vẫn còn là những chủ đề được ôn lại sôi nổi nhất trong mỗi lần anh em cựu chiến binh chúng tôi gặp lại nhau”, ông Bùi Đức Hạp vui vẻ chia sẻ.