Tự chủ tài chính buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Kể từ ngày 1/10, 51 bệnh viện công lập của TP Hồ Chí Minh không còn nhận ngân sách nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện. Đây thực sự là một thách thức lớn với nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện.

Tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Nếu như trước đây, các bệnh viện phụ thuộc vào ngân sách thành phố nên chỉ được chi đúng mảng ngân sách được giao còn khi tự chủ tài chính các bệnh viện được toàn quyền quyết định dựa vào nguồn thu của mình.


Có thể thấy rằng, việc không còn nhận ngân sách chi thường xuyên thì việc tăng nguồn thu trong giai đoạn hiện nay thật sự là một thách thức rất lớn đối với các bệnh viện công lập. Do đó, đòi hỏi ban giám đốc các bệnh viện phải rà soát và triển khai các giải pháp phù hợp và căn cơ nhất, đó là sử dụng chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất, hiệu quả nhất.

Tự chủ tài chính buộc các bệnh viện cân đối các nguồn thu, chi hợp lý và hiệu quả.

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11, cho biết tự chủ tài chính các bệnh viện mất đi một khoảng tiền ngân sách để trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện. Do đó, gánh nặng đè lên các bệnh viện chính là ngoài chi thu nhập tăng thêm cuối tháng thì phải chi trả thêm tiền lương, phụ cấp theo lương cho cán bộ nhân viên y tế. Bệnh viện nào có nhiều người bệnh đến khám thì mới có nguồn thu để chi trả còn ít bệnh nhân thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.


"Nếu không có nguồn thu, bệnh viện sẽ không có tiền trả lương hoặc giảm lương của cán bộ nhân viên y tế và như vậy thì các cán bộ nhân viên y tế sẽ rời bệnh viện dẫn đến bệnh viện thiếu nhân lực, đặc biệt là người tài", Giám đốc Bệnh viện quận 11, lo ngại.


Theo PGS. TS. BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để có thể tồn tại, các bệnh viện buộc chuyển mình thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh, đầu tư về chuyên môn... Nhân viên y tế phải xem người bệnh là khách hàng, vì nếu bệnh viện phục vụ không tốt người dân có thể chọn bệnh viện khác. Bởi hiện nay người dân có thẻ bảo hiểm y tế có thể liên thông tuyến bệnh viện quận, huyện và tới năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh.


Trung bình mỗi ngày Bệnh viện quận 11 có hơn 1.300 -1.400 bệnh nhân ngoại trú và khoảng 150 bệnh nhân nằm viện nội trú. Người dân tới khám tại bệnh viện đa phần là có thẻ BHYT. Theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng, để có thể tự chủ được tài chính bệnh viện đã lên kế hoạch tăng nguồn thu và giảm chi. Qua đó, ngay từ đầu năm 2017, bệnh viện đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút người bệnh đến khám như mở rộng đăng ký khám dịch vụ, triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật, tăng cường khám sức khỏe tại bệnh viện, phối hợp với các công ty khám sức khỏe...


Còn bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, cho biết do đặc thù người dân địa phương tới khám bệnh đa số là gia đình chính sách thông qua bảo hiểm y tế, không có bệnh nhân đến khám dịch vụ nên nguồn thu của bệnh viện rất thấp vì vậy khi phải tự chủ tài chính, bệnh viện sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn.


PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng cho rằng, khi tự chủ tài chính, nguồn thu của các bệnh viện đều phải phụ thuộc vào số lượng người bệnh. Bước đầu các bệnh viện sẽ gặp phải nhiều khó khăn.Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các khoản chi đầu tư như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị lớn, các bệnh viện vẫn cần sự hỗ trợ từ thành phố do khả năng của các bệnh viện hầu như chưa gánh được.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời điểm các bệnh viện thực hiện tự chủ cũng là thời điểm có nhiều dự thảo quy định mới sắp được ban hành như: Áp dụng định mức của BHXH trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quy định về việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị; quy định về việc liên doanh, liên kết, thuê mượn tài sản để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; quy định về liên thông xét nghiệm... Tất cả các dự thảo này đều nhằm hướng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với một chi phí hợp lý nhất.


Lo ngại khi phải tự chủ tài chính sẽ xuất hiện các hiện tượng bệnh viện tìm mọi cách trục lợi bảo hiểm y tế, tận thu của bệnh nhân để tăng nguồn thu, PGS. TS. BS Tăng Chí Thượng cho rằng, dù được chủ tài chính nhưng các bệnh viện vẫn phải hoạt động theo quy định của ngành y tế. Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chức năng lên kế hoạch quản lý tự chủ của các bệnh viện và hướng dẫn các bệnh viện tuân thủ quy định của pháp luật.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN