Truyền thông 'Vì cuộc sống an toàn của trẻ em' cho công nhân

Ngày 13/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em” cho hơn 500 công nhân lao động trên địa bàn quận Bình Tân.

Đây là chương trình đầu tiên khởi động của chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho những gia đình trẻ đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.

Chú thích ảnh
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phát biểu khai mạc chương trình truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em”. 

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thực tế các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ.

Thống kê cho thấy, ở Việt Nam, mỗi năm, các cơ quan chức năng xử lý trên 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em, trong đó hơn 80% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và còn nhiều hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, trừng trị. Điều này đang gây nên nỗi sợ hãi cho những bậc làm cha, làm mẹ. Vì thế, để bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị xâm hại, phụ huynh cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để bảo vệ  trẻ cũng như dạy trẻ tự bảo vệ mình.

Trước hết, phụ huynh cần chủ động phòng ngừa, phát hiện nguy cơ từ sớm và đừng đặt con em mình vào môi trường dễ bị xâm hại. Thứ hai, cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo đến cơ quan chức năng về các hành vi xâm hại trẻ em ở xung quanh mình nhưng cũng đồng thời phải bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ.

Chú thích ảnh
Chuyên gia tâm lý giải đáp thắc mắc của phụ huynh về giáo dục giới tính cho trẻ tại chương trình truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em”. 

Bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục để lại hậu quả lớn đối với sự phát triển thể chất, tinh thần của một đứa trẻ. Do đó, cần tạo nên những “rào chắn” cơ bản để bảo vệ trẻ là điều rất cần thiết. Hệ thống “rào chắn” này bao gồm các quy định pháp luật; trang bị, nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ của cộng đồng và tự bảo vệ mình của trẻ.

“Thay vì né tránh, phụ huynh cần trao đổi một cách trực tiếp, rõ ràng với trẻ về các bộ phận trên cơ thể của trẻ. Trẻ cần nhận diện được đâu là bộ phận nhạy cảm, đâu là những tín hiệu nguy hiểm và cách xử lý trong từng trường hợp, bằng cách đó trẻ có thể xây dựng được khả năng tự bảo vệ chính mình”, bà Dragana Strinic nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam và chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về các kiến thức, tình huống trong giáo dục giới tính cho trẻ em. Ban Tổ chức đã giới thiệu bộ sản phẩm truyền hình mang tên “Cơ thể tớ là của tớ” do Kênh VTV7 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhằm cung cấp kiến thức về giới tính, các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em.

 

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Khoảng 5,6% trẻ em Việt Nam có khả năng bị buôn bán
Khoảng 5,6% trẻ em Việt Nam có khả năng bị buôn bán

Khoảng 5,6% trẻ em Việt Nam có khả năng bị buôn bán. Đây là kết quả nghiên cứu về di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam do Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam công bố ngày 13/8, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN