Tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khẳng định: Những năm qua, báo chí, truyền thông trong nước có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ trẻ em. Các tin, bài về giáo dục trẻ, sự chăm sóc và quyền lợi của trẻ hay những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em, hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, đưa tin về trẻ em như thế nào để không làm ảnh hưởng đến trẻ và người thân hay không vi phạm quyền trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí và truyền thông. Bên cạnh việc lên tiếng bảo vệ, đòi quyền lợi cho trẻ em, đôi khi báo chí đã vô tình làm tổn hại đến trẻ em.
Lâu nay các cơ quan báo chí, truyền thông khi đưa tin về các vụ xâm hại trẻ em vẫn thường sử dụng các thủ thuật như che mờ mặt, làm méo tiếng các nạn nhân nhưng lại vô tình để tên cha, mẹ hoặc người thân, nêu rõ địa chỉ nhà, bạn bè và các mối quan hệ xung quanh nạn nhân. Điều này vô tình khiến cho việc tìm kiếm thông tin cụ thể về nạn nhân trở nên dễ dàng và có thể gây tổn hại cho chính nạn nhân cũng như gia đình của các em.
“Đôi khi với suy nghĩ để truyền thông hiệu quả, chúng ta dựng lại câu chuyện mà nạn nhân là trẻ em đã trải qua mà quên đi những tổn thương, sang chấn của trẻ, như vậy vô tình xâm hại các em một lần nữa. Chính vì thế, đây là thách thức cho các nhà báo trong việc đấu tranh về trách nhiệm để bảo vệ trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nhận xét.
Do vậy, ông Đặng Hoa Nam hy vọng các nhà báo cần cân nhắc trong quá trình tác nghiệp các vấn đề liên quan đến trẻ em: “Nhà báo cần luôn đặt ra câu hỏi cho chính mình, tôi có đang vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay không và luôn phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong mọi quyết định, mọi khả năng, hoàn cảnh liên quan đến trẻ em”.
Còn bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam chia sẻ, nhà báo có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ trẻ em, chính vì thế, nhà báo cần có hiểu biết về quyền trẻ em. Nhà báo có thể dùng ngòi bút của mình để bảo vệ trẻ em trên cả 3 cấp độ gồm: giáo dục phòng ngừa, tạo nên môi trường an toàn cho trẻ, đồng thời hỗ trợ, can thiệp mỗi khi xảy ra hành vi vi phạm quyền trẻ em trong cộng đồng.