Truyện cho thiếu nhi ngày càng biến tướng

Thực tế cho thấy, sách, truyện dành cho thiếu nhi ngày càng nhiều, đa dạng và hình ảnh bắt mắt, nhưng chất lượng của truyện thì thật sự chưa làm cho những ông bố, bà mẹ có thể yên tâm...

Truyện cổ tích bị “biến tướng”


Trẻ em nào cũng thích đọc truyện tranh-Ảnh CTV

Tỉ lệ nghịch với sự “đẹp ra” về hình thức của những cuốn truyện cổ tích trong thời gian gần đây, thật đáng buồn lại là sự xuống cấp của nội dung những cuốn truyện. Nhiều cuốn truyện đã đánh mất đi “vẻ đẹp” của những lời văn ngọt ngào, những hình ảnh dịu dàng, thân thương với tâm hồn trẻ thơ. Ngay như truyện “Tấm Cám” trong tủ sách Búp bê (NXB Tổng hợp Đồng Nai) cũng đã được đặt lại tựa: “Cô Tấm” với sự cắt lược hầu hết những câu thơ vốn làm nên cái hay của truyện. Không còn thấy những câu gọi Bống của Tấm như: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” hay lời bà hàng nước nhân hậu: “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Thay vào đó là những câu nói cộc lốc, làm mất hết vẻ đẹp của câu chuyện. Với “Cô bé Quàng khăn đỏ”, thì không chỉ văn chương bị “bóp méo”, mà cốt truyện cũng bị thay đổi với một cái kết thúc đầy bất ngờ: Cô bé Quàng khăn đỏ nhớ đến lời mẹ dặn, không những không nghe lời sói mà còn hợp tác cùng với bà của mình đặt bẫy để chú sói độc ác bị rơi xuống chiếc máng đá đầy nước có mùi xúc xích và bị chết đuối!

Nhưng, có lẽ mọi sự thay đổi ấy cũng không gây sốc bằng việc đưa ngôn từ “hiện đại” vào truyện cổ tích mà nhiều NXB đang làm. Đơn cử như bộ truyện “99 câu chuyện kể hàng đêm” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin), truyện “Alibaba” được “hư cấu” bằng rất nhiều chi tiết phản cảm. Trong câu chuyện này, khi Alibaba mang tiền lấy được của 40 tên cướp về nhà, người vợ tỏ thái độ nghi ngờ: “Cô vợ nhấc thử các túi, thấy chứa đầy tiền, đâm nghi ngờ chồng vừa đi ăn trộm ở đâu đó về, vì vậy khi anh mang các túi vào nhà, chị đã không nhịn được nữa: “Alibaba này, sao anh khốn nạn đến mức...”

Truyện cổ tích có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục trẻ thơ. Những câu chuyện cổ tích sẽ giúp bé hiểu hơn về cuộc sống và khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh mình, và làm cho tâm hồn của bé trở nên phong phú hơn. Nhưng với những cuốn truyện cổ tích bị “biến tướng” như vậy, có lẽ lại có “tác dụng” ngược lại, làm méo mó đi tâm hồn của trẻ thơ!

“Sốc” khi đọc chuyện

Bước vào một quán nhỏ cho thuê chuyện trên đường Xuân Thủy (Hà Nội), sách đầy trên giá, truyện tranh, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi cũng vô cùng phong phú với đủ các thể loại truyện: Đôrêmon, Thám tử Conan, Thiếu nữ, Lãng tử Midori, Thục nữ yêu kiều, Hiệp khách giang hồ, Thuyền trưởng quần lót... Tuy nhiên, chỉ cần ghé mắt đọc vài trang, sẽ không khỏi giật mình vì những từ ngữ sống sượng, những hình vẽ dung tục, sexy. Và đọc hết cuốn truyện thì thật bàng hoàng với nội dung đi sâu khai thác những rung động đầu đời một cách hời hợt, tự nhiên chủ nghĩa, hoặc những câu chuyện chém giết... Có thể kể tới “Thủy thủ mặt trăng” với hình tượng nhân vật nữ chính luôn mặc những chiếc váy siêu ngắn. Hay như trong truyện “Áo giáp vàng” nhân vật nữ Marin luôn mặc một bộ bikini. Đọc “Thục nữ yêu kiều”, chưa hiểu gì về nội dung của chuyện đã thấy liên tiếp các hình ảnh hai nhân vật chính của chuyện tình tứ, ôm hôn nhau...

Với trẻ em, ngoài nhu cầu giải trí, sách còn góp phần trong việc hình thành phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, rất mong các nhà xuất bản hãy nghĩ đến đạo đức xã hội, đến tương lai của đất nước, đừng chỉ vì cái lợi trước mắt hôm nay mà sao nhãng việc đọc duyệt, kiểm soát và chối bỏ trách nhiệm “giáo dục” đối với thế hệ tương lai theo cách như vậy!

Nguyễn Thảo – Vân Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN