Trung tâm học tập cộng đồng ở Nghệ An "hữu danh vô thực"

479/479 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có trung tâm học tập cộng đồng từ năm 2008. Không thể phủ nhận các trung tâm học tập cộng đồng này đã cung cấp, bổ sung kiến thức giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng này ngày càng kém về chất lượng, một số trung tâm tồn tại chỉ là “hữu danh vô thực”.

Đến Trung tâm học tập cộng đồng Vân Diên, huyện Nam Đàn, thấy vắng hoe, dẫu không phải là ngày nghỉ. Điều này cũng dễ hiểu khi mấy tháng trời, Trung tâm chưa mở được một lớp tập huấn hay lớp dạy nghề nào cho bà con nông dân dẫu nhu cầu của người dân nơi đây rất nhiều.


Tập huấn Trung tâm học tập cộng đồng ở Nghệ An. Nguồn: nghean.gov.vn


Ông Nguyễn Đình Tiến, người dân xóm Nam Bình, xã Vân Diên cho biết: “Trước đây, Trung tâm có mở mấy lớp tập huấn kỹ thuật chế biến thức ăn cho bò hay lớp sửa chữa điện dân dụng, bà con chúng tôi hào hứng tham gia. Sau khi được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi áp dụng được trong chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Hiện chúng tôi rất muốn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt song thời gian gần đây không thấy trung tâm mở thêm lớp nào nữa nên chúng tôi chưa biết triển khai như thế nào”.

Đem thắc mắc trên hỏi ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng Vân Diên thừa nhận: “Bản thân trung tâm chưa tự mình đứng ra tổ chức một chương trình tập huấn, dạy nghề hay hội thảo chuyên đề cho bà con nông dân mà phải phối kết hợp với các ban, ngành, đảng ủy, chính quyền xã, huyện để tổ chức.

Hơn nữa, những cuộc như thế đòi hỏi phải có kinh phí, phải có chương trình cụ thể được lên lịch từ trước. Trong khi đó, cán bộ của trung tâm cũng làm việc theo kiểu kiêm nhiệm nên chưa sát sao công việc, chưa phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng”.

Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng Vân Diên không phải là ngoại lệ khi mới đây, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến nay chỉ có khoảng gần 20% số Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, còn lại hoạt động yếu, thậm chí có nhiều trung tâm cả năm không có hoạt động nào.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động yếu kém của các Trung tâm học tập cộng đồng, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương về Trung tâm học tập cộng đồng chưa sâu sắc, điều đó dẫn đến việc chỉ đạo chưa sát sao.

Nhiều địa phương chưa bố trí giáo viên sang làm việc tại Trung tâm học tập cộng đồng theo quy định, hiện toàn tỉnh mới có 313/480 Trung tâm học tập cộng đồng có giáo viên chuyên trách; cùng với đó, lãnh đạo các trung tâm là cán bộ xã, lãnh đạo các nhà trường làm kiêm nhiệm nên chưa chuyên tâm vào hoạt động của trung tâm.

Đa số các trung tâm đều thiếu tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề. Đặc biệt, nguồn kinh phí cấp hàng năm cho các trung tâm còn quá ít, không đủ để duy trì hoạt động.

Theo quy định của Nhà nước, mỗi trung tâm khi thành lập được hỗ trợ 30 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, còn hoạt động hàng năm đối với các trung tâm ở khu vực 1 là 20 triệu đồng, khu vực 2 và 3 được 25 triệu đồng.

Tuy nhiên ở Nghệ An, nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cho một trung tâm chỉ ở mức 5 đến 10 triệu đồng, các năm tiếp theo, mỗi năm 5 triệu đồng. Nguồn kinh phí này chỉ đủ chi trả chế độ phụ cấp cho lãnh đạo, cán bộ trung tâm chứ không còn để duy trì hoạt động (như chi trả thù lao cho báo cáo viên, hướng dẫn viên, in ấn tài liệu,...).

Để phát huy giá trị của các trung tâm học tập cộng đồng, theo ông Bùi Văn Toán, Chuyên viên phụ trách công tác xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì: Trước mắt phải tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với Trung tâm học tập cộng đồng; các cấp có thẩm quyền phải ban hành các cơ chế kèm theo.

Theo Đề án Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2011-2020, Sở đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ quản lý Trung tâm học tập cộng đồng theo hệ số lương; nâng mức hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm này từ 5 triệu lên 15 triệu đồng.


Tiến hành quy hoạch hợp lý, từng bước đầu tư thêm, kết hợp với tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có của các địa phương; củng cố tổ chức, nâng cao năng lực điều hành của bộ máy quản lý các trung tâm, theo hướng giảm số lượng cán bộ kiêm nhiệm.

Tăng cường sự phối hợp giữa các Trung tâm học tập cộng đồng, hội khuyến học và các ban, ngành, đoàn thể để tạo điều kiện tốt hơn cho các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động.

Căn cứ vào nhu cầu học tập của nhân dân, các trung tâm cũng chủ động lên kế hoạch hoạt động từng tháng, quý, năm để mở các lớp nghề, tập huấn theo từng nhóm chuyên đề.

Việc thành lập Trung tâm học tập cộng đồng là chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thông qua hoạt động của trung tâm, người dân sẽ được tiếp cận kiến thức về pháp luật, chính sách, văn hoá, xã hội, môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người đến phát triển kinh tế.

Do đó, tỉnh Nghệ An cần sớm chấn chỉnh tình trạng hoạt động “hữu danh vô thực”, lượng nhiều nhưng chất chẳng bao nhiêu để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng.


TTXVN/ Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN