Trung Quốc cố tình vi phạm chủ quyền

Dẫu biết quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam từ lâu đời và đầy đủ chứng cứ pháp lý về lịch sử, song phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, đưa các tàu có vũ trang xuống vùng biển Hoàng Sa khiêu khích hòng chiếm đóng. Câu chuyện Trung Quốc cố tình vi phạm chủ quyền được ông Lữ Công Bảy kể lại trong niềm xúc động.


Quyết tâm xua đuổi


Sau 40 năm, kể từ khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, những người lính trên chiến hạm HQ-4, HQ-16, HQ-5 người còn người mất, người vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi. Những gì mà cuộc chiến phi nghĩa do Trung Quốc gây ra không thể nào phai mờ trong ký ức những người lính biển ngày ấy.

 

Trường Sa, hòn đảo máu thịt của Việt Nam. Ảnh: Mai Thắng.


Sau khi các mộ giả ngụy tạo bị phát hiện trên hai đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc, phía Trung Quốc đã không lấy đó làm xấu hổ và cho quân rút khỏi quần đảo Hoàng Sa, mà còn tiếp tục cho tàu đánh cá có vũ trang xuống khiêu khích và mưu đồ đánh chiếm. Lúc 11 giờ ngày 18/1/1974, hai tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Hoàng Sa. Hai chiến hạm HQ-4 và HQ-16 được lệnh bám sát và theo dõi động thái. Biết hai tàu của Trung Quốc mưu đồ đổ bộ lấn chiếm đảo Hoàng Sa, các chiến hạm đã xua đuổi, ngăn cản.


Tàu cá Trung Quốc không rút mà cố tình khiêu khích. Quyết không để tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền, Tàu HQ-4 áp sát đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu Trung Quốc có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm; tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK 47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

 

Tàu cá của Trung Quốc khiêu khích trên vùng biển Hoàng Sa.Ảnh: TL


Tàu HQ-4 thông báo rõ trên loa “Đây là vùng biển của Việt Nam. Yêu cầu các vị chấm dứt ngay và rút khỏi vùng biển này, không làm rắc rối thêm tình hình”. Một lần, hai lần nhưng không có tác dụng. Không để tàu cá Trung Quốc “làm càn”, thuyền trưởng tàu HQ-4 đã quyết định tiến công. Tàu HQ-4 lùi ra xa, dùng mũi ủi thẳng vào tàu cá Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết đó, Tàu cá Trung Quốc vội vàng tháo lui. Chớp thời cơ, chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.


Cũng trong sáng 18/1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do trung tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có đại tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Đi theo tàu có một trung đội người nhái, lúc đó là lực lượng đặc biệt.


Lúc 15 giờ 30 chiều 18/1, hai tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện và khiêu khích. Đại tá Ngạc lệnh biên đội ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng sẵn sàng chiến đấu. Phát hiện được ý đồ của các chiến hạm, hai tàu chiến Trung Quốc đã cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16, làm cho đội hình biên đội tàu không tiến lên được. Các khẩu đại bác trên chiến hạm HQ-16, HQ-5 sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh. Đêm 18 rạng ngày 19/1, hai tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc, tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

 
Để tăng cường bảo vệ Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn đã điều động tàu hộ tống Nhật Tảo có phiên hiệu HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng nhanh chóng cơ động ra Hoàng Sa, chi viện lực lượng và cùng các chiến hạm khác bảo vệ.


Bí mật ém quân


Để quản lý và bảo vệ trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa, lệnh từ Sở chỉ huy các tàu tiếp tục trinh sát nắm tình hình ở các đảo Quang Hà thuộc quần đảo Hoàng Sa. Với phương án “bí mật bất ngờ”, các chiến hạm HQ-4 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 đã vượt sóng bí mật áp sát đảo Quang Hà. “Khi gần đến đảo, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy, chúng tôi đã phát hiện doanh trại mới toanh và cột cờ có cờ Trung Quốc. Chúng tôi hiểu rằng quân Trung Quốc đã bí mật chiếm đảo. Đảo này trước đó hơn một tháng, chúng tôi đã khảo sát không phát hiện gì ngoài chai lọ trôi tấp lên bãi cát”, ông Lữ Công Bảy chia sẻ.


Ông bảo: “Lúc đó, tình yêu Tổ quốc cao hơn tất cả. Chúng tôi sẵn sàng hi sinh và làm tất cả để ngăn bước chân của Trung Quốc tiến đến Hoàng Sa. Do lúc đó, lực lượng của chúng tôi mỏng, mà đảo lại rộng lớn nên không quan sát hết được. Trung Quốc bí mật chiếm đóng trái phép cũng lợi dụng sơ hở này”.


Để khẳng định chủ quyền, thuyền trưởng tàu HQ-4 quyết định sử dụng một lực lượng biệt hải đổ bộ lên phía đông nam đảo, rồi khẩn cấp tiến vào bên trong đảo. Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát đã phát hiện một tàu Trung Quốc đang đổ bộ một đội quân chừng 200 lính chiến lên bắc đảo.


Quân Trung Quốc nấp sau các tảng đá chĩa thẳng mũi súng vào đội hình nã đạn. Vào 8 giờ 30 ngày 19/1, một loạt đạn đại liên và cối 82 từ các tàu chiến Trung Quốc bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai người tử thương tại chỗ, hai người khác bị thương. Biết là đau thương, nhưng tình thế chưa được nổ súng, vì lực lượng người nhái đang ở vị trí bí mật, một số lính biệt hải đang ở sâu trong lòng đảo Quang Hà.


Ông Hoàng Văn Thể, nguyên là thuyền trưởng tàu HQ 11 Lữ đoàn 171 - người nghiên cứu khá kỹ về trận chiến Hoàng Sa năm 1974 cho biết: “Nếu lúc đó chúng tôi không ém quân thì tất cả đều thương vong, trong khi nhiệm vụ trinh sát chưa hoàn thành. Biết hi sinh là đau thương, song sự hi sinh vì nghĩa lớn cũng là hành động dũng cảm. Nhờ có chiến thuật ém quân, bí mật không nổ súng, mà sau đó các chiến hạm của quân đội Sài Gòn đã chiến đấu anh dũng sau đó, các tàu cũng bảo toàn được lực lượng nhiều hơn”.


Mai Thắng

 

Kỳ 3: “Nổ súng”

Trinh sát Hoàng Sa phá mưu đồ “mộ giả”
Trinh sát Hoàng Sa phá mưu đồ “mộ giả”

Với mưu đồ bành trướng, Trung Quốc đã nhiều lần xâm chiếm các đảo, quần đảo của Việt Nam. 40 năm trước, những người lính Hải quân của quân đội Sài Gòn đã phải trải qua cuộc chiến đấu hết sức cam go để chống lại âm mưu và hành động xâm lược của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN