Theo đó, khoảng 1 giờ sáng ngày 24/2, sau nhiều phương án kỹ thuật trục vớt tàu và thủy triều lên mạnh, tàu cá mắc cạn đã nổi lên mặt nước, được lai dắt vào cảng Lạch Vạn.
Hàng trăm người gồm bộ đội biên phòng, các ngư dân, chính quyền địa phương, đã nỗ lực trục vớt con tàu trong 2 ngày vừa qua. Việc trục vớt kéo dài do phải phụ thuộc vào thủy triều lên xuống. Hơn nữa, đây là tàu cá có công suất lớn (400 CV), thân tàu lại bám chặt vào lớp cát dày, nên không thể trục vớt theo phương pháp thông thường. Nhiều phương án được thực hiện như sử dụng 3 máy múc công suất lớn để xúc cát, tạo rãnh thoát nước và bẩy tàu lên.
Song song với đó, sử dụng máy phát điện để phục vụ điện cho 4 máy bơm nước hút nước và cát trong thân tàu ra ngoài. Dùng các phao nổi chằng sát vào hai bên tàu. Khi thủy triều dâng cao, tàu nổi lên mới đưa được tàu ra khỏi khu vực mắc cạn.
Sau khi tàu trục vớt thành công, 3 tàu công suất lớn đã kéo tàu về xưởng sửa chữa ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc để theo dõi tình hình và tu sửa.
Hiện, vỏ tàu đã bị thủng một số chỗ dưới dáy, nước và cát ngập vào một số khoang như máy móc, hầm cá… Nhiều bộ phận máy móc cũng bị hỏng.
Ngư dân Phạm Văn Tùng, chủ tàu cá cho biết, sau khi giải cứu xong, tàu được đưa lên đà để sửa chữa. Tổng chi phí ước tính hết hơn 300 triệu đồng. Con tàu phải mất thời gian sửa chữa khoảng 1 tháng mới ra khơi trở lại.
Khu vực cửa Lạch Vạn những năm gần đây bị bồi lắng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc tàu thuyền của ngư dân lưu thông, ra vào cảng.
Tàu của Ngư dân Phạm Văn Tùng khi đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc bộ bị hỏng máy, được lai dắt về cảng Lạch Vạn thì bị mắc cạn vào 2 giờ sáng ngày 22/2. Kết hợp với sóng to, gió lớn nên tàu bị đánh va vào cồn cát và bị chìm. 5 thuyền viên trên tàu đều được cứu sống.
Năm 2019, đã có 6 con tàu của ngư dân huyện Diễn Châu bị mắc cạn ở cửa Lạch Vạn, gây nhiều thiệt hại về kinh tế.