Nhiều doanh nghiệp doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng vẫn nợ đọng BHXH. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN. |
“Bên cạnh đó, để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, Bộ LĐTBXH đề xuất đồng bộ các giải pháp khác như tăng mức phạt vi phạm hành chính, tăng cường thanh tra. Một trong các giải pháp quan trọng mà BHXH Việt Nam cần sớm triển khai là minh bạch thông tin về tình trạng đóng BHXH. Theo đó, người lao động có thể truy cập biết thông tin tình trạng đóng để yêu cầu chủ lao động phải đóng BHXH, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hai tháng đầu năm 2017 đã lên tới hơn 14.800 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH có thời gian từ 3 tháng trở lên thường xuyên chiếm tới 60-70%.
Trong số tiền nợ bảo hiểm xã hội, có khoảng 1.400 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn... Người lao động của những doanh nghiệp này dù đã chuyển nơi làm 3, 4 lần ;nhưng vẫn chưa được chốt sổ BHXH trong thời gian làm việc ở những doanh nghiệp nợ bảo hiểm.
Theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực đầu năm 2016, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ mới xử lý giải quyết được một phần của doanh nghiệp đang làm thủ tục hồ sơ giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán bảo hiểm xã hội.
“Với những doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản, cơ quan BHXH được phép chốt sổ đến thời điểm mà doanh nghiệp nợ để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Doanh nghiệp đóng được đến đâu thì để cho người lao động được chốt sổ đến đó, sang đơn vị mới đóng tiếp. Khi doanh nghiệp cũ nợ bảo hiểm xã hội đóng được phần nợ còn lại cho người lao động thì chúng tôi ghi bổ sung vào sổ. Còn đối với các đối tượng doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… thì hiện nay vẫn rất khó xử lý,” ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết.
Liên quan đến số nợ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Khoản nợ BHXH mà doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn đang ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động. Do đó, tôi đề xuất Bộ LĐTBXH khoanh nợ lại để xử lý chế độ cho người lao động. Trong Luật BHXH cũng có quy định giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ để xử lý đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Còn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Trước đây, do còn e dè việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ BHXH sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp; nên BHXH Việt Nam chưa công bố danh sách tên doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, từ năm 2017, BHXH sẽ thông tin rộng rãi tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là giải pháp để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH hiện nay”.