Tình trạng nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp vẫn diễn ra dai dẳng dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng nhiều biện pháp như đôn đốc truy thu, kiện ra tòa.
Người lao động tại Công ty Bắc Việt vẫn bị nợ BHXH |
Theo BHXH Quế Võ (Bắc Ninh), trên địa bàn có 20 doanh nghiệp nợ BHXH khoảng 40 tỷ đồng, trong đó đã khởi kiện thành công Công ty liên doanh Dược phẩm Eloge France Việt Nam (Công ty Eloge France) vào đầu năm 2015. “Số nợ BHXH, BHYT của công ty công ty Eloge France gần 3,3 tỷ đồng. Tòa án tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định Công ty Eloge France phải trả số nợ cho BHXH huyện Quế Võ. Nếu không tự nguyện trả thì BHXH huyện có quyền yêu cầu đội thi hành án, cưỡng chế thi hành án với Công ty Eloge France. Tuy nhiên từ đó đến nay đơn vị này vẫn chưa trả nợ. BHXH huyện cũng đã cùng cơ quan chức năng đi xác định tài sản của công ty này tại 3 ngân hàng nhưng số vốn thế chấp của họ tại các ngân hàng còn thấp hơn nhiều lần số tiền vốn vay của ngân hàng. Tiên liệu là nếu công ty này phá sản thì ngân hàng cũng sẽ thu hết tài sản, không đến lượt cơ quan BHXH”, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Giám đốc BHXH huyện Quế Võ chia sẻ.
Hiện BHXH Quế Võ quản lý hơn 500 đơn vị và có khoảng 70 đơn vị thường chây ỳ, khất lần. Mỗi năm, huyện cũng khởi kiện ra tòa từ 1-2 vụ để đòi tiền BHXH nhưng dù có phán quyết cũng không thi hành được. Hoặc nếu có thì các doanh nghiệp nộp vài chục triệu lấy lệ rồi lại chây ỳ tiếp.
Chia sẻ nguyên nhân nợ BHYT, BHTN, ông Trần Vọng, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Kết cấu thép Bắc Việt (huyện Quế Võ) cho biết: "Khoảng 4 năm nay, sản xuất khó khăn, vay nợ ngân hàng nhiều nên không đủ tiền để chi trả BHXH, BHYT. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh hện chúng tôi ưu tiên trả theo thứ tự: nợ ngân hàng, nộp thuế, trả lương cho công nhân và cuối cùng mới là BHXH, BHYT. "Do lãi suất phạt nợ BHXH thấp nên Công ty Bắc Việt trong khi lãi suất ngân hàng lại cao nên đương nhiên làm kinh doanh thì họ sẽ chọn nợ BHXH, BHYT, ông Nguyễn Quốc Hoàn nhận định.
Còn ông Phạm Đăng Hồng, trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân nợ đọng BHXH. Một phần do một số doanh nghiệp thực sự khó khăn nên việc làm không ổn định. Nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình nợ BHXH vì lợi nhuận, chiếm dụng vốn. Đặc biệt, ở tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tính bấp bênh cao. Theo thống kê có hơn 400 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền hơn 112 tỷ đồng. Tình trạng nợ kéo dài do chế tài chưa đủ mạnh.Đơn cử như Công ty TNHH 1 thành viên cơ khi và xây dựng nguồn điện Tiên Du (đóng tại Khu công nghiệp Tiên Sơn) nợ 42 tháng BHXH các loại của lao động với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã có ý kiến, đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ đã vào kiểm tra, công ty hẹn đến 30/6 sẽ thanh toán hết số nợ (lúc thanh tra số nợ hơn 6 tỷ đồng). Tuy nhiên, công ty này chỉ trả 500 triệu đồng và lại tiếp tục dây dưa nợ. Bên cạnh đó, huyện Tiên Du còn có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Phi Kha miền Bắc cũng nợ 56 tháng BHXH của người lao động với số tiền 2,3 tỷ đồng...
“Đến Thanh tra Chính phủ vào cuộc, tòa án ra quyết định còn chưa đòi được nợ thì cán bộ bảo hiểm đến làm việc khó đòi nợ. Doanh nghiệp thì cố tình dây dưa nên thiệt hại chủ yếu là người lao động hứng chịu”, ông Phạm Đăng Hồng chia sẻ.
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốcBảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: Theo luật BHXH sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2016, cùng với giao chức năng thanh tra thu đóng BHXH tại các đơn vị, việc nâng chế tài nợ BHXH và lãi suất nợ BHXH sẽ hy vọng cải thiện tình trạng nợ BHXH hiện nay
Bài và ảnh: XM