Trên 5.000 người dân huyện Phúc Thọ ký đơn 'giải cứu' gấu bị nuôi nhốt

Ngày 13/2, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Nguyễn Thị Phương Dung cho biết: Trên 5.000 người dân huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã kí tên vào phiếu kiến nghị kêu gọi chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu.

Những chữ kí trên đã được gửi đến Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nhằm kêu gọi các cơ quan chức năng có hành động quyết liệt trong việc khuyến khích các chủ nuôi gấu ở địa phương tự nguyện chuyển giao, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho gần 170 con gấu nuôi nhốt còn lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung cho rằng, việc kêu gọi chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ, thay đổi tích cực trong nhận thức đông đảo người dân huyện Phúc Thọ với nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu.

Việc "xóa sổ" hoạt động nuôi nhốt gấu ở “điểm nóng” Phúc Thọ sẽ thúc đẩy công tác chuyển giao gấu tại các địa phương còn tồn đọng tình trạng nuôi nhốt gấu. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giám sát thường xuyên, quản lý chặt chẽ những chủ nuôi, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm liên quan.

Phúc Thọ là “điểm nóng” nuôi nhốt gấu tại Việt Nam và đã trở thành mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ chiến dịch bảo vệ gấu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên từ năm 2008. Với việc triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tại các khu chợ hay thông qua các sự kiện cộng đồng, qua hệ thống phát thanh địa phương và những buổi nói chuyện với các em học sinh, đội ngũ tuyên truyền viên góp phần đưa thông điệp “Không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu” đến gia đình và người dân. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng nỗ lực phối hợp với các chủ nuôi gấu và cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại địa phương.

Hiện cả nước ghi nhận 25 địa phương không còn gấu nuôi nhốt. Điều này đang trở thành động lực lớn cho cộng đồng, các chủ nuôi gấu, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan chức năng trong việc tăng cường nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Năm 2018, có 19 con gấu được tự nguyện chuyển giao, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm xuống còn khoảng 750 con, thấp hơn nhiều so với trên 4.300 con gấu bị nuôi nhốt vào năm 2005. Năm 2019 sẽ có nhiều hoạt động, tiêu biểu là cuộc thi “Viết thư cho chủ gấu” với chủ đề “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” vẫn đang diễn ra và đã thu hút hơn 1.000 bài dự thi.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung cũng kêu gọi cộng đồng cam kết không sử dụng mật gấu, lan tỏa thông điệp bảo vệ gấu đến những người xung quanh, thông báo các vi phạm về gấu đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Dấu hỏi về sự tắc trách trong xử lý vụ nuôi nhốt gấu bất hợp pháp tại Nghệ An
Dấu hỏi về sự tắc trách trong xử lý vụ nuôi nhốt gấu bất hợp pháp tại Nghệ An

Ngày 5/10, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phản ứng chậm trễ với những thông tin được cung cấp, thiếu quyết tâm trong xử lý khiến đối tượng có thời gian hành động, che giấu hành vi vi phạm về động vật hoang dã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN