Trước đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận được thông tin hộ gia đình ông C ở xóm 5, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang nuôi 5 con gấu bất hợp pháp, trong đó có hai con gấu con.
Sau khi trực tiếp xác minh thông tin, ngày 18/9, Trung tâm đã gửi Công văn khẩn số 623/2018/ENV tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị lập phương án xử lý vụ việc; sau đó trực tiếp đến gặp, chuyển giao toàn bộ thông tin, hình ảnh vi phạm.
Tuy vậy, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Nghệ An chỉ tiến hành kiểm tra tại hai cơ sở nuôi nhốt gấu hợp pháp trên địa bàn xã Quỳnh Yên, không phải là địa điểm được Trung tâm cung cấp.
Trung tâm một lần nữa đề nghị kiểm tra. Sáng 29/9, 10 ngày sau nguồn tin ban đầu, các cơ quan chức năng Nghệ An mới tiến hành kiểm tra đúng địa điểm được cung cấp nhưng “không phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Thực tế tại thời điểm kiểm tra, nhà ông C chỉ thấy nuôi 2 con gà (mỗi con ở trong một chuồng gấu), 4 con hươu sao và vài con chó.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, với kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan chức năng, việc xác minh thông tin không hề khó. Các cán bộ kiểm tra đã có thể nhìn ra những nghi vấn bất thường như: Hình ảnh ông chủ hộ trùng khớp với hình ảnh người cho gấu ăn trong video được Trung tâm cung cấp ngày 19/9, các chuồng (để trống hoặc nuôi gà) tại đây trùng khớp với hình dáng và kích thước các chuồng nuôi gấu (có gấu) trong video.
Ông C có nuôi hươu sao - đây là loài động vật rừng thông thường mà khi nuôi nhốt cần đăng ký hoặc thông báo đến chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm sở tại. Trong quá trình hoạt động gây nuôi, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát những cơ sở này để đảm bảo cơ sở tuân thủ pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Việc để một hộ gia đình nuôi gấu bất hợp pháp ngay bên cạnh khu vực nuôi hươu sao nhưng không hề bị các cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình kiểm tra định kì cho thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn về sự tắc trách của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Trung tâm rất hi vọng khi các cơ quan chức năng tiếp nhận những thông tin vi phạm có độ chính xác cao sẽ kiên quyết xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tạo dựng niềm tin trong cộng đồng. Việc liên tục chậm trễ, bỏ lọt tội phạm của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã trở thành lí do khiến nhiều đối tượng vi phạm thản nhiên cho rằng mình đang “đứng trên pháp luật” và có thể ngang nhiên vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã mà không sợ bị xử lý”.
Đây không phải lần đầu tiên Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Nghệ An (PC 49) không thể xử lý thành công các vụ việc vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Trung tâm đã chuyển thông tin về trường hợp 5 con hổ bị nuôi nhốt trái phép (với đầy đủ thông tin, địa chỉ đối tượng vi phạm, video hành vi vi phạm) cũng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nhưng đã nhận được kết quả tương tự từ cơ quan này.