Nâng cao năng lực xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã

Ngày 11/7, tại Đà Nẵng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức Hội nghị tập huấn về xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hòa Kỳ; Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm; các thẩm phán, cán bộ Tòa án Trung ương và Tòa án các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho các thẩm phán, cán bộ của hệ thống Tòa án nhân dân trong giải quyết vụ việc liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài ra, hội nghị cũng là dịp để các thẩm phán đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về hướng dẫn việc thực hiện các quy định mới liên quan đến động vật hoang dã của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi.

Các quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu đối với công tác phòng chống loại tội phạm này, đồng thời thực hiện đầy đủ khuyến nghị của quốc tế về động vật hoang dã.

Theo các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, những sửa đổi, bổ sung mới sẽ khắc phục bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 và phần nào đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn một số quy định định tính, có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất nên cần có văn bản hướng dẫn để đảm bảo áp dụng thống nhất trong xét xử.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Các điều khoản mới cùng khung hình phạt nặng hơn của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 cho thấy Việt Nam đang quyết tâm phòng, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Sự quyết tâm này cũng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày báo cáo, tham luận, thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung như: Một số vấn đề chính cần hướng dẫn trong Nghị quyết và một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm về động vật hoang dã ở Việt Nam, hiện trạng, khó khăn và xu hướng; chia sẻ khó khăn trong việc truy tố, xét xử một số vụ án về động vật hoang dã ở Việt Nam…

Ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Do lợi nhuận cao từ việc mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nên các đối tượng dùng nhiều hình thức che giấu rất tinh vi nhằm trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Phổ biến nhất vẫn là thuê người vận chuyển nên khi phát hiện cơ quan chức năng chỉ bắt được đối tượng vận chuyển thuê, không bắt được chủ hàng. Nhiều trường hợp không xác định được đối tượng phạm tội, dẫn đến một số vụ án phải tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn điều tra mà không khởi tố được bị can. Do chỉ bắt được người vận chuyển, các vụ án đưa ra xét xử, bị cáo chỉ bị Tòa tuyên án phạt với mức án dưới 3 năm tù và phần lớn cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Một số trường hợp khác, người phạm tội sử dụng ô tô biển kiểm soát Lào để vận chuyển số lượng lớn động vật hoang dã từ Lào vào Việt Nam, sau khi bắt giữ việc điều tra, xác minh người phạm tội ở nước bạn là khó khăn, vì vậy các vụ án cũng bị tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý vật chứng, giám định tang vật, định giá tang vật là động vật hoang dã…

Theo ông Phạm Quý Tỵ, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn thi hành Điều 234 và Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 về những vấn đề như: Thế nào là cá thể, thế nào là bộ phận của động vật. Một cá thể động vật chết xong không đủ các bộ phận, trường hợp này sẽ được tính là cá thể, nguyên con hay chỉ là bộ phận của động vật…

Về xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Tòa án nhân dân, ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2015 đã thụ lý 40 vụ với 60 bị cáo; năm 2016 là 92 vụ với 130 bị cáo; năm 2017 là 99 vụ với 149 bị cáo. Trong đó, xét xử 207 vụ với 303 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6%; trả hồ sơ cho Viện kiểm sát 20 vụ với 32 bị cáo, còn lại 4 vụ với 4 bị cáo đang tiếp tục giải quyết.


Về các hình thức phạt, trong 3 năm qua, chỉ phạt tiền 2 đối tượng, cải tạo không giam giữ 16 đối tượng, cho hưởng án treo 181 đối tượng, phạt tù từ 3 năm trở xuống 96 đối tượng, tù trên 3 năm đến 7 năm là 8 đối tượng; hình phạt bổ sung (phạt tiền) 17 đối tượng. Các số liệu trên cho thấy số đối tượng Tòa án cho hưởng án treo khi xét xử các vụ vi phạm là tương đối lớn. Việc cho hưởng án treo xuất phát từ quy định biện pháp đối với tội phạm này trong Bộ luật Hình sự thường thấp, một số bị cáo là người dân tộc thiểu số, khi phạm tội không nhận thức được hành vi tội phạm. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen du canh du cư, sống trong các khu rừng. Bên cạnh đó, còn tình trạng áp dụng hình phạt quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng...

Tại hội nghị, bà Katelin Maher, Phó Giám đốc, Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: Hội nghị tập huấn là sự tiếp nối các hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) dành cho Tòa án nhân dân tối cao, để xác định các thách thức và thu thập các phản hồi về việc xét xử các trường hợp liên quan đến động vật hoang dã...

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm đang phối hợp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động truy tố và xét xử các vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã. Các thông tin chia sẻ trong hội nghị tập huấn sẽ giúp tăng cường hiệu quả truy tố, xét xử và giúp cải thiện sự phối hợp liên ngành tư pháp để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, thông qua Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Quốc hội, Chính phủ, ngành Tư pháp Việt Nam; đồng thời phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Tin, ảnh: Trần Lê Lâm (TTXVN)
Chở động vật hoang dã, lái xe đâm vào lực lượng chức năng hòng tẩu thoát
Chở động vật hoang dã, lái xe đâm vào lực lượng chức năng hòng tẩu thoát

Ngày 10/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, lực lượng chức năng đang thu giữ 1 xe ô tô chở động vật hoang dã qua địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN