Theo đó, ngày 27/8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang đã tiến hành chuyển giao 5 cá thể gấu ngựa cuối cùng bị nuôi nhốt tại một trang trại tư nhân trên địa bàn tới Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Hiện Tiền Giang chỉ còn 13 cá thể gấu đang được nuôi tại Trại rắn Đồng Tâm do Cục Hậu cần, Quân khu 9 quản lý.
Chỉ trong vòng 2 tuần, 7 cá thể gấu đã được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ, trong đó, ngày 14/8, hai cá thể gấu được nuôi nhốt ở cơ sở của ông Trần Văn Trách tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cũng được chuyển giao đến Trung tâm Bảo tồn gấu Ninh Bình.
Từ đầu năm 2018 đến nay, có 13 cá thể gấu tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước được tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ. Đặc biệt, Ninh Bình và Cần Thơ đã về "đích" trên chặng đường chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu, đưa tổng số các địa phương không còn gấu nuôi nhốt lên 22 tỉnh, thành phố.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên khẳng định: Thành công ở Thái Nguyên và Tiền Giang cho thấy sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương với các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu, góp phần đẩy nhanh quá trình chấm dứt hoàn toàn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động các chủ trại gấu tự nguyện chuyển giao gấu về các trung tâm cứu hộ, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh mật gấu ở Việt Nam là vi phạm pháp luật hình sự và bản thân cộng đồng đang dần quay lưng với việc sử dụng mật gấu.
Vai trò của cơ quan chức năng các địa phương cũng cần được tăng cường trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu tại địa phương, cũng như thường xuyên cập nhật các chính sách của Nhà nước và quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ gấu đến các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu.
Năm 2005, Việt Nam cam kết nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu và tái khẳng định quan điểm này trong năm 2017. Với hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước năm 2005, đến tháng 7/2018, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm xuống còn khoảng 780 cá thể.