Trên 30.000 ca cấp cứu do tai nạn dịp Tết

Theo báo cáo nhanh của 79 đơn vị, trong đó có 23 bệnh viện trực thuộc trung ương, Hà Nội và 51 Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: tổng số bệnh nhân đến khám trong 3 ngày tết Nguyên Đán là 87.541 trường hợp; trong đó, 30.409 trường hợp đến khám cấp cứu do tai nạn (chiếm 34,7% % số trường hợp đến khám) trong số bệnh nhân khám cấp cứu, tai nạn có 12.749 bệnh nhân do tai nạn giao thông chiếm 14,6% . Trong các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, thì số ca chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm là 703 ca.



Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày qua tiếp nhận cấp cứu, khám, chữa bệnh 70 - 100 ca/ngày (ảnh chụp ngày 28/1/2012 tức 6 Tết). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.


Tổng số bệnh nhân phải nhập viện nội trú là 31.919 ca. Số ca phải phẫu thuật và sinh nở là 11.249 ca gồm 4469 ca phẫu thuật và 6780 ca sinh nở đều được các cơ sở y tế chăm sóc và cứu chữa kịp thời an toàn.

Theo tin từ hệ thống trực vệ sinh an toàn thực phẩm 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và 04 viện khu vực trên toàn quốc và các trên phương tiện thông tin đại chúng, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm ( từ 2 người mắc trở lên hoặc có 1 người chết do ăn thực phẩm bị ô nhiễm ), bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.

Tại bệnh viện Bạch Mai (Khoa chống độc ) của thành phố Hà Nội có tiếp nhận một số ca ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu lẻ tẻ đến khám và điều trị. Tại thành phố Hồ Chí Minh ( bệnh viện Chợ Rẫy ), bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Số lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm giảm nhiều so với Tết Nguyên đán năm 2011 đều giảm rõ rệt và không có trường hợp nào tử vong.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh trong dịp tết Nguyên Đán. Đã tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo mọi người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường phát "Thông điệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết Nhâm Thìn năm 2012" và tin các phóng sự về lựa chọn thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn và bảo quản sử dụng thực phẩm an toàn trong dịp Tết. Các địa phương đã phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tập trung tuyên truyền thông điệp đến tận người dân của địa phương về biện pháp an toàn trong lựa chọn, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm.

Theo đó, hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã duy trì thường xuyên các kíp trực, các đội điều tra, xử lý vụ ngộ độc, sẵn sàng phương tiện, con người để tiếp nhận và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và y tế tại các địa phương; 04 viện chuyên ngành về an toàn thực phẩm đã cử và duy trì các kíp thường trực và các đội công tác và phương tiện sẵn sàng điều tra, xử lý vụ ngộ độc.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống trực từ trung ương đến địa phương cho thấy các đơn vị đã triển khai đầy đủ các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo chỉ thị. Các đơn vị đã duy trì hoạt động thường trực tại cơ quan, đơn vị, thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo quy định, điển hình như Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.


Nhật Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN