Trắng đêm xử lý cá chết tại Hồ Tây

Các lực lượng chức năng liên quan đã có mặt tại Hồ Tây ngay tối 2/10 để đôn đốc, khẩn trương hoàn thành việc vớt cá chết, đưa đi xử lý nhằm tránh tình trạng ô nhiễm, đồng thời tiến hành xử lý nguồn nước tại hồ, đảm bảo tạo ô oxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu.

Công nhân thu vớt cá chết trên Hồ Tây. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Có mặt tại hiện trường tối 2/10 để thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về triển khai các biện pháp cấp bách để xử lý sự cố cá chết tại Hồ Tây, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị đang chỉ đạo công nhân lắp đặt 20 máy sục khí tại Hồ Tây ngay trong đêm. Sở Xây dựng cũng đã bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ, bổ sung thêm máy tạo oxy.

Ông Tiến cho biết, sau khi thu dọn hết số cá chết trong đêm 2/10, Công ty sẽ huy động khoảng 50 công nhân túc trực dọn vệ sinh môi trường tại bờ Hồ Tây, nhằm đảm bảo cảnh quan vào ngày 3/10. Trước đó, để kịp thời thu dọn cá chết, Công ty đã huy động 20 xe cuốn ép để vận chuyển số cá chết đến khu Liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn để xử lý theo quy định. Sở Y tế đã đưa lực lượng xuống hiện trường phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ.

Cũng trong tối 2/10, tại hiện trường, lực lượng Công an thành phố đã thực hiện hướng dẫn dẹp đường, đảm bảo giao thông; Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động vài chục chiến sỹ tham gia vớt cá chết; UBND quận Tây Hồ, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng có mặt tại hiện trường để tham gia vớt cá.

Các lực lượng chức năng của thành phố bố trí nhiều xuồng soi đèn để vớt và đã vớt được khoảng 10 tấn cá chết. Song hiện dưới hồ lượng cá chết vẫn còn khá nhiều. Theo chỉ đạo, các lực lượng làm việc cả đêm cho đến khi hết cá chết nổi trên mặt hồ.

Đồng thời với việc vớt và xử lý cá chết, thành phố sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (loại chế phẩm mới được sử dụng làm sạch một số hồ trên địa bàn thành phố) nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khử mù và tạo oxy tại các tầng nước sâu.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân cá chết từ tối 1/10 đến ngày 2/10/2016. Lực lượng chức năng đã lấy mẫu cá sống/chết đưa đi giám định nhằm xác định nguyên nhân cá chết và cá có bị nhiễm các chất độc hại hay không.

Được biết, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết tại Hồ Tây, cùng với việc chỉ đạo quận Tây Hồ và các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, vớt cá chết, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục, chiều 2/102016, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng này.

UBND thành phố đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách trên. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây trong các ngày vừa qua làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại trong cá, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Hồ Tây
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Hồ Tây

Nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây là nồng độ oxy hòa tan thấp kết hợp thời tiết thay đổi thất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN