Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn của tỉnh dành thực hiện cho Chương trình giảm nghèo bền vững trong 5 năm hơn 278,3 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách Trung ương hơn 214 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 32 tỷ đồng, số tiền còn lại được huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tỉnh phấn đấu khoảng 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất về nông, lâm, ngư nghiệp để tăng thu nhập; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Cùng với đó, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nếu có nhu cầu sẽ được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, với chỉ tiêu được đề ra có tối thiểu 1.600 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiển y tế; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%.
Tỉnh Trà Vinh còn hỗ trợ cho khoảng 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trở lên được hỗ trợ nhà ở ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; có 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và có 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp tục sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2021, toàn tỉnh có 10.207 hộ nghèo, chiếm 3,56% so tổng số hộ dân cư toàn tỉnh và 17.215 hộ cận nghèo, chiếm 06% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 6.478 hộ dân tộc Khmer nghèo, chiếm 7,19% so với tổng số hộ dân tộc Khmer và 8.997 hộ cận nghèo dân tộc Khmer, chiếm 52,26% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đề cao kết quả mang lại là hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, đảm bảo hỗ trợ hộ nghèo vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của tỉnh. Cụ thể, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2025, duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,5%/năm (hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 01%/năm) và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 01%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Tỉnh thực hiện toàn diện, hiệu quả các cơ chế, chính sách để giúp hộ nghèo ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần.