Kể từ ngày 1/6/2010, Sở giao thông vận tải TP.HCM kết hợp với Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM thí điểm đưa vào sử dụng 150 thùng bán vé tự động trên 5 tuyến xe buýt của thành phố. Sau gần 8 tháng triển khai, chương trình này đã bắt đầu đem lại những biến chuyển tích cực cả về kinh tế lẫn “văn hóa xe buýt” của hành khách.
Việc sử dụng thùng vé tự động trên các tuyến xe buýt đã phần nào hạn chế được tình trạng phân biệt đối xử của tiếp viên với hành khách sử dụng vé tháng và hành khách miễn vé, từ đó tạo cảm giác thoải mái và tin cậy cho hành khách đi xe. “Doanh thu của từng đơn vị vì thế cũng được quản lý hiệu quả hơn, do trước đây hay xảy ra tình trạng nhiều tiếp viên thiếu trung thực về vấn đề tiền bạc”, ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM (TTQL&ĐHVTHKCC), tính đến cuối năm 2010, hầu hết các tuyến xe buýt có triển khai bán vé tự động đều có số lượng hành khách tăng đáng kể so với giai đoạn sử dụng tiếp viên xé vé thủ công. Bốn đơn vị vận tải là Công ty xe khách Sài Gòn, HTX Quyết Tiến, HTX Quyết Thắng và HTX 19/5 có mức tăng trung bình 17,40%. Riêng tuyến xe buýt 66 của HTX 19/5 đã tăng tới 40%.
Theo đánh giá của TTQL&ĐHVTHKCC, cái “được” lớn nhất có lẽ là sự chuyển biến về “văn hóa xe buýt” của hành khách. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, nhiều hành khách đã dần quen với loại hình bán vé này và họ tỏ ra thích thú. Anh Tuấn Minh, một hành khách thường xuyên của tuyến xe 38 từ Khu định cư Tân Quy (Q.7) đến Đầm Sen (Q.11), chia sẻ: “Ban đầu tụi em còn chưa quen nên hay bị tài xế nhắc nhở nhưng khi quen dần lại thấy hay và tiện lợi. Theo em, mô hình bán vé này sẽ góp phần tạo nên một nét văn minh đô thị”.
Theo tài xế của tuyến xe 38, hành khách hiện nay đã tự giác hơn rất nhiều, từ việc chuẩn bị tiền lẻ đến việc tự xé vé khi lên xe nên tài xế cũng tương đối rảnh tay. Quả thực, theo quan sát của phóng viên, hầu hết hành khách khi lên xe này đều tự động bỏ đủ tiền vào thùng, nhanh chóng xé vé và ngồi vào chỗ nên trên xe không còn cảnh tiếp viên hò hét, đi lại thu và thối tiền cho khách như trước đây.
Tuy nhiên, nói là sử dụng máy bán vé tự động nhưng thực chất đây chỉ là một chiếc “thùng” có khe để hành khách bỏ tiền vào. Việc tính toán và thối tiền đều do tài xế thao tác. Vé xe được đặt thành tập ngay bên cạnh “thùng” tiền để hành khách tự xé. Anh Lê Tấn Phú, tài xế tuyến xe số 10 cho hay: “Khách tự giác còn được, nhiều người bỏ cả vé số, vé quá hạn, tiền rách vào máy nhưng tài xế không kịp kiểm tra nên đành bỏ tiền túi ra đền.
Nhiều khi khách đông quá nên máy hết tiền xu để thối trước khi về bến”. Trong khi đó, chị Lê Thúy Vân, một hành khách thường đi xe buýt, cho biết: “Nếu khách bỏ tiền 10 hay 20 ngàn còn đỡ, nhiều người chưa quen nên bỏ vào máy 100 ngàn, thậm chí là 200 ngàn nên tài xế phải nhấn nút cả chục lần để thối tiền, có khi phải dừng lại đến mấy phút vì sợ gây ra tai nạn”. Một tài xế tuyến xe 66 cho biết: Nói thật, lắm lúc vừa lái vừa tính toán thối tiền thấy cũng mạo hiểm lắm”.
Ông Phùng Đăng Hải khẳng định: “Hiện nay, hai tuyến xe số 66 và 145 đã không còn sử dụng tiếp viên do hành khách đã quen với phương thức bán vé tự động. Các tuyến còn lại vẫn phải sử dụng tiếp viên để hướng dẫn, tạo thói quen cho khách nhưng trong khoảng 1 tháng tới, đơn vị sẽ bỏ hẳn tiếp viên trên các tuyến này. Chi phí trả lương nhờ đó cũng giảm đáng kể hoặc có thể sử dụng đội ngũ tiếp viên vào các công việc khác”.
Sau khi rút kinh nghiệm, việc bán vé tự động có thể được nhân rộng trong tương lai. Tuy vậy, theo TTQL&ĐHVTHKCC, mô hình này sẽ khó áp dụng đối với những tuyến có lượng hành khách quá đông hoặc đối với các HTX quản lý không tập trung. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc TTQL&ĐHVTHKCC cho biết: “Để mô hình bán vé tự động đạt hiệu quả cao nhất, rất cần sự tự giác từ phía hành khách cũng như sự nỗ lực của các đơn vị vận tải”.
Hào Vũ