TP Hồ Chí Minh: Nguy cơ từ nước thải bệnh viện

Theo dự kiến đến cuối năm 2010, hệ thống xử lý nước thải y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải đạt từ 90 - 100%; tuy nhiên đến nay, nhiều bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải chưa đạt chuẩn.

Mầm bệnh từ nước thải y tế

TP Hồ Chí Minh hiện có 107 bệnh viện, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người dân thành phố mà còn cho 20 tỉnh, thành phía Nam, chính vì thế, lượng bệnh nhân được tiếp nhận mỗi ngày tại các bệnh viện này không hề nhỏ. Mặc dù thành phố đã yêu cầu các bệnh viện phải có hệ thống xử lý nước thải y tế trước khi thải ra môi trường, nhưng nhiều bệnh viện đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống này, hoặc có xây dựng nhưng chưa đạt chuẩn. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày các bệnh viện đã thải ra môi trường khoảng 17.000 – 20.000 m3 nước thải, phần lớn trong số này chưa qua xử lý.

Nước thải y tế được xếp vào danh mục chất thải nguy hại nhất vì nó ẩn chứa nhiều loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong nước thải bệnh viện có 20% chất thải nguy hại, nếu không được xử lý triệt để sẽ là nguy cơ lớn cho môi trường, nhất là các phế phẩm thuốc, các dung môi hóa học... Bên cạnh đó, chất thải từ phẫu thuật, dịch tiết, máu, mủ, đờm, phân của người bệnh... có hàm lượng hữu cơ cao, phân hủy nhanh nếu không được xử lý kịp thời thì không chỉ gây bệnh mà còn gây ô nhiễm”.

Phần lớn các bệnh viện ở TP.HCM chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.


Cũng theo ông Phong, hiện hệ thống xử lý nước thải của một số bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sử dụng phương pháp lắng lọc qua 3 tầng nên chỉ lọc được vi trùng thương hàn, tả mà không xử lý được vi khuẩn yếm khí. Mặc dù nhiều bệnh viện cũng xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn nhưng cũng chỉ xử lý được về mặt vi sinh, còn chỉ tiêu về ammoniac lại gấp đôi so với quy định. Nếu chất này được thải nhiều ra môi trường sẽ gây hiện tượng phú dưỡng hóa, thúc đẩy rong, tảo phát triển khiến một số loại thủy sản chết.

Kiên quyết xử lý

Theo Sở Y tế, TP.HCM hiện mới chỉ có 62 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 40 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, trong đó có nhiều cơ sở trực thuộc Trung ương rất lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh... Đáng lưu ý là hiện còn 4 bệnh viện trực thuộc Trung ương chưa có hệ thống xử lý nước thải như: Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Bưu Điện II, Bệnh viện Bưu Điện II, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc Bộ LĐ,TB&XH, Bệnh viện Giao thông Vận tải 8. Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, còn có 322 trạm y tế phường, xã của thành phố cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hệ thống xử lý nước thải y tế của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện thuộc trực Trung ương, chủ yếu xây dựng theo kiểu truyền thống, sử dụng công nghệ sinh học thông thường, hiện đã xuống cấp và quá tải, không đáp ứng được nhu cầu xử lý. Vì vậy vẫn còn tình trạng nước thải chưa được xử lý tuồn thẳng ra môi trường.

Trước thực trạng này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho các đơn vị trong ngành y tế trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2011 phải có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn, nếu đơn vị nào xả thải ra môi trường không đạt thì phải đóng cửa. “Thành phố đang nghiên cứu lắp mới hệ thống xử lý với công nghệ nước ngoài kết hợp với Việt Nam, nhằm xử lý nước thải cho hơn 322 trạm y tế phường, xã đóng trên địa bàn thành phố, với tổng đầu tư giá dự kiến là 100 tỷ đồng, mỗi trạm y tế có hệ thống xử lý nước thải với công suất 2 m3/ngày đêm, tuổi thọ thiết bị trên 30 năm. Riêng 24 trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện quận, huyện sẽ được kiểm tra và lên kế hoạch đầu tư dứt điểm. Hiện mới có 3 bệnh viện đã và đang được đầu tư xây dựng theo mô hình xã hội hóa xử lý nước thải, dự tính đến hết quý 2 năm nay sẽ đưa vào vận hành. Còn lại 6 bệnh viện công của thành phố sẽ được đầu tư bằng ngân sách để hoàn chỉnh trong năm nay” - bác sĩ Thanh cho biết.

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN