Được nhiều hơn mất
Là một trong những hộ dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng hẻm của quận 3, anh N.V.H, ở hẻm (ngõ) 134 đường số 4 cư xá Đô Thành, cho biết nhà anh có diện tích khoảng hơn 20 m2 nhưng anh đã tình nguyện hiến hơn 1,5 m phía trước để mở rộng hẻm. Sau khi các gia đình tình nguyện hiến đất, con hẻm trước nhà anh H đã được mở rộng hơn 4 m. Từ đó, mọi sinh hoạt của người dân trong hẻm, cũng như xe cộ ra vào cũng dễ dàng hơn.
Theo anh H, trước đây, con hẻm chật chội khiến sinh hoạt, đi lại của người dân rất khó khăn. Năm ngoái, ở xóm có người bị ốm cần đi cấp cứu nhưng xe cứu thương không vào tới nhà nên người nhà phải cõng chạy bộ ra ngoài đường lớn. Một số bà con khác thì bày tỏ lo lắng, thấp thỏm lo sợ cháy nổ xảy ra nhưng xe cứu hỏa không thể vào tận nhà dập lửa… Khi nghe quận phổ biến mở rộng hẻm, nhà anh H và bà con đều đồng ý. "Đa số bà con cho rằng, việc hiến đất mở hẻm sẽ khiến đường phố rộng hơn, diện tích sử dụng có ít đi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Người dân chúng tôi hưởng ứng vì thấy được nhiều hơn mất", anh H cho biết.
Theo anh H, để đập bỏ phần diện tích đã xây dựng để hiến cho nhà nước, gia đình anh đã phải bỏ ra khoảng gần 20 triệu đồng và dự tính làm trong 5 ngày sẽ xong. Số tiền này là do hai vợ chồng anh H tích cóp lâu năm mới có. Tuy nhiên, anh H cho rằng "bà con ai cũng tham gia làm được, tại sao mình không ủng hộ. Bởi, nếu như tất cả mọi người đều dám hy sinh quyền lợi cá nhân để chuyển thành quyền lợi chung của tập thể và một khi nhà nước cùng nhân dân cùng hợp tác thực hiện thì những con đường hẻm chật chội, chen chúc ngày trước sẽ trở nên rộng rãi và thông thoáng hơn".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Đông, nhà ở hẻm 62 đường Lý Chính Thắng (quận 3) vui vẻ cho biết, việc mở rộng hẻm đã được thông báo từ trước đó hàng tháng. Lúc đầu bà con còn e ngại, tuy nhiên khi nghe cán bộ phân tích những cái lợi có được sau khi mở rộng hẻm như không hẻm còn ngập nước mỗi khi trời mưa hay chiều cường, đường rộng thêm, di chuyển dễ dàng, giá nhà đất cũng cao hơn khi đường mở rộng… thì bà con ai nghe cũng thấy hợp lý, sẵn sàng hiến đất mở đường.
“Thực ra, phần đất mở rộng hẻm thực chất là đất công (đất lộ giới), xem như người dân được nhà nước cho “mượn” sử dụng mấy chục năm nay và ngày nay trả lại nhà nước để mở rộng hẻm cho bà con”, bà Đông cho biết thêm.
Ông Trần Văn Đức, Bí thư chi bộ khu phố 4 (phường 8, quận 3) được bầu làm Trưởng ban vận động công tác hiến đất mở đường, cho biết khi bà con tham gia hiến đất mở đường sẽ mang lại nhiều lợi ích chung như: Giúp nâng cấp hệ thống chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy dễ dàng hơn… Đặc biệt, khi con hẻm rộng rãi hơn thì mọi sinh hoạt, đi lại của người dân cũng diễn ra dễ dàng thoái mái hơn.
“Trước kia, hẻm 62 Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3) đã có chủ trương mở rộng (cách đây khoảng 14 năm) nhưng chưa thực hiện được do chưa có cách làm phù hợp. Tuy nhiên, vừa qua, được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo quận, các cán bộ dân vận tích cực vận động từng nhà, từ đó lắng nghe tâm tư, giải đáp thắc mắc và vận dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con hiểu và đồng lòng hiến đất. Thậm chí, đa số bà con quận 3 hưởng ứng nhiệt tình bằng việc sẵn sàng “bỏ tiền túi” mở rộng hẻm trước khi chờ nhà nước hỗ trợ”, ông Trần Văn Đức chia sẻ thêm.
Cần mở rộng phong trào
Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3, cho biết: "Việc người dân hiến đất mở hẻm là hành động đáng trân quý và cần nhân rộng trên địa bàn. Xưa nay tâm lý “tấc đất tấc vàng, mất đất là mất của”, đặc biệt đất tại quận 3 là quận trung tâm của thành phố rất đắt đỏ mà người dân thay đổi được suy nghĩ sẵn sàng hiến đất mở đường là hành động đáng biểu dương. Khu vực quận 3 lâu nay có rất nhiều con hẻm chật chội, bề rộng có khi chỉ dưới 1,5 m, tuy nhiên sau khi mở rộng hẻm sẽ khang trang, đẹp đẽ hơn. Đời sống người dân trong hẻm cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn".
Theo ông Tuấn, sắp tới, lãnh đạo quận 3 sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát các con hẻm có chiều rộng dưới 3,5m để vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm. Sau khi các công trình mở rộng hẻm hoàn thành, những con hẻm này sẽ được xem xét, nghiên cứu trang bị thêm hệ thống camera an ninh giám sát, trụ cứu hỏa, gia cố lại hệ thống cống, hố ga, hệ thống WiFi miễn phí...
Theo thống kê của UBND quận 3, từ năm 2015 đến nay, quận đã mở rộng được 23 tuyến hẻm từ đất người dân hiến. Trong tháng 9/2019, quận 3 đã khởi công mở rộng thêm 10 tuyến hẻm và dự kiến đến tháng 10 sẽ mở rộng thêm một tuyến hẻm khác trên địa bàn. Dự kiến đến hết năm 2019, cả quận 3 có 34 tuyến hẻm được mở rộng với số hộ dân hiến đất là 1.172 hộ, tổng diện tích đất được hiến hơn 9.300 m2, tương ứng với số tiền gần 445 tỉ đồng.
Không chỉ người dân quận 3 đang hưởng ứng mô hình hiến đất mở rộng đường, tại quận Phú Nhuận, người dân cũng hào hứng tham gia phong trào hiến đất mở rộng nhiều tuyến hẻm. Cụ thể, quận Phú Nhuận đã mở rộng các con hẻm như: 270 Phan Đình Phùng, 127 Cô Giang, 20 Cô Bắc và 162 Phan Đăng Lưu… Theo đó, từ những con hẻm có bề rộng chưa đầy 1,5 m đến nay đã được mở rộng lên gần 4 m. Từ khi hẻm được mở rộng, người dân có thêm điều kiện tốt hơn khi đi lại, sinh hoạt.
Theo Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, hành động hiến đất mở đường của nhân dân quận 3, quận Phú Nhuận rất đáng khen ngợi và cần nhân rộng ra các quận khác trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các khu vực quận trung tâm như quận 1, quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh… số lượng các con hẻm nhỏ dưới 1,5 m không ít. "Vì vậy, lãnh đạo các quận cần quan tâm quyết liệt hơn để cùng thành phố tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào hiến đến mở rộng hẻm. Trước mắt, sẽ từng bước nâng cao đời sống người dân, góp phần giúp thành phố thực hiện mục tiêu chỉnh trang đô thị, kéo giảm tình trạng ngập nước cục bộ trên địa bàn. Xa hơn là người dân đang cùng thành phố hướng đến xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố xanh, sạch đẹp văn minh, hiện đại và nghĩa tình", bà Nguyễn Thị Lệ cho biết.
“Hành động của người dân sẵn sàng cắt bớt vài mét đất đắt đỏ đồng nghĩa là sẽ mất đi khoảng sân phơi, giảm chỗ để xe, thậm chí thu hẹp phòng khách... nhưng bà con vẫn nhiệt tình tham gia ủng hộ phong trào chứng tỏ có sự đồng thuận cao của người dân và chính quyền. Trong đó, khi người dân chấp nhận hy sinh chút quyền lợi, bù lại bà con sẽ có con hẻm mới thông thoáng, khang trang hơn, chẳng may có hỏa hoạn, cháy nổ, bệnh tật cấp cứu xảy ra bà con cũng kịp trở tay. Ngay sau khi bàn giao mặt bằng sạch, chính quyền các quận cần triển khai làm đường sớm, lắp trụ nước phòng cháy chữa cháy, lắp wifi miễn phí, camera quan sát... cho các tuyến đường vừa được mở rộng để bà con yên tâm hơn trong sinh hoạt”, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm.