Mong người dân hiến kế cho phát triển AI
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" bước đầu được TP Hồ Chí Minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ con người. Cụ thể năm 2015, thành phố đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào một số dự án với số vốn kích cầu khoảng 100 tỷ đồng/dự án; năm 2017, thành phố tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các ngành giao thông, giáo dục, y tế… Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào đời sống để phục vụ người dân còn chậm phát triển do nguồn nhân lực của thành phố chưa sẵn sàng. Đây cũng là điểm nghẽn khiến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo của thành phố chưa phát triển mạnh mẽ.
“Sắp tới, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn để phát triển AI vào thực tiễn, đưa danh mục AI là ngành công nghiệp kỹ thuật cao để có những chính sách hỗ trợ về vốn và nhân lực.... Theo đó, thành phố tập trung vào 3 mũi nhọn chính như: ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng đội ngũ nhân lực và huy động sự đóng góp hiến kế của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi có sự đóng góp hiến kế các giải pháp ứng dụng AI vào đời sống từ kinh nghiệm người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ giúp thành phố có nhiều kinh nghiệm hơn, giúp thành phố hòa mình nhanh chóng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó hình thành hệ sinh thái AI, làm nền tảng cho thành phố xây dựng đô thị thông minh hiệu quả”, ông Phong cho biết thêm.
Ông Ousumane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, TP Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn 2 đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Từ đó đến nay, người dân TP Hồ Chí Minh ngày càng cảm nhận rõ hơn những dấu ấn của đô thị thông minh trong đời sống khi ở một vài lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, công nghệ thông minh có ứng dụng công nghệ AI để trở thành công cụ đắc lực cho cả người dân và chính quyền. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh khiến thành phố đang có nhiều thách thức về môi trường ô nhiễm, giao thông ùn tắc, ngập nước nghiêm trọng... Do đó, thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng AI giải quyết các thách thức này.
Cũng theo ông Ousumane Dione, trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho AI, nghĩa là xây dựng nền tảng dữ liệu thông minh, dữ liệu này phải mở để chính quyền và người dân đều có thể khai thác, chọn lọc thông tin hữu hiệu áp dụng vào công việc lẫn cuộc sống; thành phố cần có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài đến thành phố sinh sống và làm việc để tạo nguồn nhân lực công nghệ AI dồi dào. Ứng dụng AI cuối cùng cũng để phục vụ con người và các dữ liệu đó phải để con người dùng được, nghĩa là phải để người dân hiểu và dùng được AI và áp dụng hiệu quả vào cuộc sống, sinh hoạt của họ.
Ứng dụng AI hiệu quả trong chữa bệnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với dân số hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh rất thuận lợi để hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vì có nguồn lực kinh tế lớn mạnh và nhân lực lớn, có thể ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương tiên phong ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế… đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng phục vụ.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện tại thành phố đã ứng dụng AI vào công việc khám chữa bệnh rất hiệu quả. Cụ thể, Bệnh viện Bình Dân đã trang bị robot ngoại tổng quát Da Vinci điều trị từ năm 2016. Đến nay, robot này đã phẫu thuật 687 ca bệnh với nhiều bệnh lý phức tạp; Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive (thế hệ thứ 2) từ tháng 2/2019 và đã phẫu thuật 7 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp. Không chỉ vậy, bệnh viện này còn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
“Hiện nay, Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới đối với đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ. Thực tế, việc ứng dụng AI chuyên biệt trong xử trí đột quỵ chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân nhiều hơn", Bác sỹ Tăng Chí Thượng cho biết thêm.
Trong lĩnh vực giao thông, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những đột phá khi ứng dụng AI. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, sau khi đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông từ đầu năm 2019. Trung tâm này đã đáp ứng được 4 chức năng chính như: giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết, việc ứng dụng công nghệ AI đang giúp các nhà quản lý quan sát và xử lý tình hình giao thông nhanh hơn. Cụ thể, Trung tâm này đã lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 camera giám sát giao thông. Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý kịp thời. Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo đối với các nhà quản lý để có giải pháp xử lý điểm nghẽn giao thông. Hiện Sở cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông từ các dữ liệu của trong tâm này, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý điều hành giao thông của thành phố.