Nguyên nhân là do tác động của đại dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 – 10/2021, đa số các doanh nghiệp đều phải ngưng hoạt động nhưng vẫn phải duy trì việc trả lương tối thiểu vùng, hoặc chỉ làm với năng suất rất thấp khiến sản lượng, doanh thu giảm cùng với số ngày làm việc thực tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng vừa mới bắt đầu hoạt động bình thường trở lại từ sau tháng 10 đến nay nên cần cân đối nguồn tài chính để thực hiện việc chăm lo, thưởng Tết cho công nhân, người lao động.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch lương, thưởng Tết cho công nhân lao động. Một số doanh nghiệp còn lại đang phối hợp cùng Công đoàn cơ sở cân đối nguồn thu chi trước khi công bố lương thưởng, thời gian nghỉ Tết và ngày trở lại làm việc sau Tết Nhâm Dần 2022.
“Một số doanh nghiệp mặt dù gặp nhiều khó khăn kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhưng vẫn nỗ lực cam kết thưởng bằng mức lương tháng 13 cho công nhân lao động, thể hiện sự chăm lo và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Ngược lại, một số ít doanh nghiệp đang tập trung vào sản xuất, tìm các đơn hàng từ nay đến Tết Nguyên đán để có kế hoạch chăm lo thỏa đáng cho công nhân hay ít nhất cũng thưởng Tết tương đương 1 tháng lương tối thiểu vùng”, ông Huỳnh Văn Tuấn chia sẻ.
Cùng với các hoạt động chăm lo của doanh nghiệp, Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nhâm Dân 2022 cho công nhân lao động, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đang ở các khu lưu trú, nhà trọ. Đặc biệt, công nhân lao động có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp từ 15 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ trọn bộ vé tàu hỏa cho gia đình gồm chồng vợ và con để về quê đón Tết. Người có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ vé máy bay về quê nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 từ nguồn tài chính của Công đoàn.
Tuy nhiên, dù Công đoàn tổ chức hỗ trợ 100% vé tàu, vé máy bay nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố nên nhiều công nhân vẫn ngần ngại trở về các địa phương để đón Tết. “Nhiều người e ngại khi về quê bị cách ly bởi việc quay trở lại làm việc đúng ngày giờ rất khó. Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, nhiều công nhân lao động cũng đã tranh thủ về quê, nên từ nay đến Tết sẽ tập trung làm để kiếm thu nhập… ”, ông Huỳnh Văn Tuấn chia sẻ.
Trước dự báo công nhân, người lao động sẽ ở lại đón Tết đông, Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp cũng đã xây dựng nhiều giải pháp tập trung chăm lo Tết cụ thể, thiết thực, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh... Trong đó, Công đoàn các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố chuẩn bị 15.000 phần quà gồm tiền mặt và quà (trị giá mỗi phần 500.000 đồng) để chăm lo cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các doanh nghiệp; phối hợp với các Liên đoàn Lao động của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ đến trực tiếp chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân.
Ngoài ra, Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố tăng cường vận động các nhà hảo tâm, các đối tác có liên quan để hỗ trợ thêm các suất quà; tổ chức bán bàn bình ổn giá, hàng chất lượng cao giảm giá; tổ chức 3 phiên chợ 0 đồng cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; tổ chức Tết Sum vầy cho gia đình công nhân lao động không về quê… qua đó góp phần động viên, làm ấm lòng công nhân người lao động trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Theo Công đoàn các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố, các cấp công đoàn đẩy mạnh chăm lo công nhân, người lao động theo hình thức từ dưới lên. Theo đó, Công đoàn cơ sở bằng nguồn lực của mình sẽ chăm lo cho người lao động trước; nếu Công đoàn cơ sở không còn nguồn thì đề xuất Công đoàn cấp trên hoặc Liên đoàn Lao động thành phố chăm lo… để tất cả cùng hướng đến mục tiêu không để một đoàn viên công đoàn nào không có Tết.