Thu nhập tăng thêm giảm
Không giống như những ngành nghề khác, vào cuối năm, người lao động sẽ có một khoản thưởng Tết hoặc lương tháng 13. Tuy nhiên, theo thầy Mai Thế Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12), thông thường giáo viên không có tiền thưởng Tết mà chỉ có khoản thu nhập tăng thêm. Tiền thu nhập tăng thêm chi cho giáo viên vào cuối năm là tiền kết dư trong 1 năm chi cho các hoạt động của nhà trường. Do đó, trường nào “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
“Năm học trước nhờ tiết kiệm chi tiêu nên trung bình mỗi giáo viên của trường nhận được khoảng 20 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm. Còn năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà trường phải mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch nên nguồn thu nhập tăng thêm của giáo viên năm nay cũng bị tác động”, thầy Hùng cho biết.
Trong các bậc học, có thể nói các trường mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi dịch COVID-19 khiến trẻ nghỉ học 3 - 4 tháng nên các trường không thu được học phí nhưng vẫn phải chi trả cho các hoạt động như lương cho giáo viên, nhân viên vệ sinh, bảo vệ, hoạt động phòng chống dịch... Cô Nguyễn Thụy Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường mầm non Trúc Đào (quận Bình Tân) cho biết, nguồn thu nhập tăng thêm dựa vào số trẻ đến lớp, nhưng năm học 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường mầm non phải đóng của 4 tháng không có nguồn thu trong khi các nguồn chi vẫn phải chi bình thường. Hiện trường đang có 348 trẻ theo học nhưng có 44 giáo viên và cán bộ nhân viên. Lương của những cán bộ, nhân viên hợp đồng lấy từ nguồn thu nhập tăng thêm của nhà trường nên phần tiết kiệm năm nay sẽ không bằng năm trước.
“Nếu như năm trước trung bình mỗi giáo viên được khoảng 8-9 triệu đồng thì dự kiến năm nay mỗi giáo viên chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm”, cô Hòa cho biết.
Thông tin về khoản thu nhập tăng thêm năm nay, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) cho biết, hiện nay nhà trường đang cân đối ngân sách để tính toán phần thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên trong trường. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nguồn thu giảm nhưng nguồn chi lại tăng, do đó phần tiết kiệm của nhà trường sẽ không bằng những năm trước.
“Thông thường mọi năm tiền học phí sẽ thu 9 tháng nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch học sinh nghỉ học nên nhà trường cũng chỉ thu 8 tháng học phí. Dù học sinh nghỉ học nhưng nhà trường vẫn phải đảm bảo các hoạt động như trả lương cho cán bộ công nhân viên, học trực tuyến, các hoạt động cho phòng chống dịch”, thầy Phạm Phường Bình nói.
Thầy Phạm Phương Bình cũng chia sẻ thêm: “Năm học trước, khoản thu nhập tăng thêm cho giáo viên tại trường trung bình mỗi giáo viên khoảng 15 triệu đồng, năm nay tuy khó khăn do dịch bệnh nhưng nhà tường sẽ cố gắng chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên bằng năm trước”.
Còn tại trường THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận), thầy Huỳnh Ngọc Chung, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Nhà trường đã cố gắng tiết kiệm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chắc chắn khoản thu nhập tăng thêm cuối năm cho giáo viên năm nay sẽ giảm so với năm học trước”.
Thầy Huỳnh Ngọc Chung lý giải, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến khoản chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên, bởi nguồn thu nhập tăng thêm dựa vào khoản tiết kiệm chi tiêu trong năm của nhà trường. Năm nay, nguồn thu từ các hoạt động bán trú, học phí giảm, trong khi đó các khoản chi cho hoạt động phòng chống dịch lại rất nhiều như trang bị thêm các bồn rửa tay, dung dịch vệ sinh, máy đo thân nhiệt…
Chăm lo Tết cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn
Bên cạnh lo các khoản thu nhập tăng thêm cho giáo viên, các trường cũng có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các cán bộ nhân viên trong trường. Thầy Phạm Phương Bình cho biết, dự kiến nhà trường sẽ có khoảng 13 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng dành tặng cho những giáo viên, cán bộ, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
"Trong hoạt động của nhà trường, không chỉ có giáo viên mà có cả bảo vệ, nhân viên lao động, giám thị, nhân viên y tế... đây là những trường hợp không được chi khoản thu nhập tăng thêm. Để ai cũng có một cái Tết đầm ấm, nhà trường cũng thưởng Tết cho mỗi trường hợp 2 tháng lương, tương đương khoảng 8 triệu đồng”, thầy Bình nói.
Tương tự, tại trường mần non Trúc Đào, ngoài khoản thu nhập tăng thêm, nhà trường cũng hỗ trợ mỗi giáo viên có hoàn cảnh khó khăn 1 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhà trường vẫn cố gắng chăm lo cho cán bộ nhân viên, người lao động, giáo viên có một cái Tết đầm ấm. Theo đó, năm nay, tập đoàn quyết định dành 4,5 tỷ đồng để chi thưởng cho giáo viên, người lao động. Dự kiến người được thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, người thấp nhất bằng với mức lương cơ bản.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, ngay từ giữa tháng 10/2020, công đoàn ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành giáo dục thành phố. Theo đó, công tác chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 được thực hiện đồng bộ ở cả 2 cấp công đoàn cơ sở và công đoàn ngành giáo dục. Song song đó, công đoàn ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng chương trình thăm và tặng quà nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng dịch COVID-19; đồng thời lựa chọn 50 trường hợp giáo viên đã có gia đình, cả hai vợ chồng đều công tác trong ngành giáo dục hoặc nhân viên bảo vệ, phục vụ có con nhỏ dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình “Tết sum vầy” năm 2021 của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi người tham dự sẽ được tặng 1 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 500.000 đồng.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị trường học quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi và trao tặng quà tết cho các đối tượng là học sinh nghèo, sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết, giáo viên, nhân viên khó khăn; giáo viên và nhân viên hưu trí, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên có người thân đang công tác tại các vùng biển đảo, biên giới của Tổ quốc.