Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó số lợn chăn nuôi trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 18-20%, số còn lại nhập từ các địa phương khác. Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thành phố đã và đang tăng cường công tác kiểm tra tại các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thông qua cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tháng tiêu độc khử trùng từ 1/9 đến 1/10; tiếp tục vận động người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện việc tập trung kiểm soát về an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Đối với các hộ chăn nuôi, TP Hồ Chí Minh vận động người dân thực hiện thường xuyên các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 lần đến 2 lần/tuần. Đối với các trang trại chăn nuôi thì hạn chế khách tham quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng lựa lợn để mua. Khi vào khu chăn nuôi thì phải tắm rửa vệ sinh, mặc đồ bảo hộ lao động để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào trại.
Chia sẻ về nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi về Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết rất khó lường trước được nguy cơ này, vì hiện nay việc kiểm soát ở biên giới chủ yếu là hàng xách tay nên cũng khó phát hiện. Mặt khác, việc trao đổi giữa các cư dân các nước, các chợ vùng biên... cũng rất khó kiểm soát. Hiện nay, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chi cục đã chỉ đạo tất cả các trạm kiểm soát kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật (trong đó có thịt lợn) khi ra các trạm đầu mối. Đơn vị đã bố trí lực lượng 24/24 để có thể kiểm tra, tiêu độc khử trùng thực phẩm trước khi vào thành phố. Những trường hợp có nghi ngờ dịch bệnh thì được đưa về trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn để cách ly, theo dõi và giám sát.
“Đối với các trường hợp thịt nhập khẩu, Chi cục thú y Thành phố cũng đã phân công Chi cục thú y vùng 6 tăng cường kiểm soát sản phẩm thịt động vật đông lạnh nhập khẩu khi vào các sân bay, các cảng. Về phân cấp tại TP Hồ Chí Minh, khi về các kho lạnh, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đang kiểm tra việc nhập, xuất các sản phẩm đông lạnh này để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân”, ông Phát cho biết thêm.
Tương tự, ông Lê Minh Hải, Phó Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết trong thời gian tới, Ban An toàn thực phẩm Thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đông lạnh, tươi sống khi về thành phố. Trong đó, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố kiểm tra, giám sát tất cả các khâu từ khi sản xuất chăn nuôi đến giết mổ và đưa ra thị trường. Tất cả với mục tiêu đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân thành phố được an toàn, giảm thiểu các nguy cơ lây lan các dịch bệnh từ nước ngoài lẫn trong nước.
Trong khi đó, đại diện các hệ thống siêu thị trên đại bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tất cả thực phẩm tươi sống như thịt lợn và sản phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn đều được kiểm tra nghiêm ngặt ở khâu đầu vào, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người dân có thể truy xuất nguồn gốc. Đa số các thực phẩm tươi sống thịt lợn được bày bán ở các hệ thống siêu thị đều được nhập ở các nhà sản xuất trong nước, một số sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn được nhập khẩu nhưng đều đã kiểm tra chặt từ khâu đầu vào.