TP Hồ Chí Minh đang trợ giá xe buýt khoảng 40%

Thời gian đầu tỉ lệ trợ giá xe buýt tại TP Hồ Chí Minh là 70% nhưng 3 năm gần đây tỉ lệ trợ giá còn khoảng 40%. Mức trợ giá này thấp nhất theo ghi nhận tại thành phố và một số tỉnh, thành lân cận khác.

Liên quan đến hoạt động trợ giá xe buýt trên đia bàn, tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiều đại biểu đã đề nghị chính quyền nhanh chóng đưa ra giải pháp hiệu quả khắc phục những tồn tại trong hoạt động vận tải hành khách công cộng. Đại biểu Cao Thanh Bình cho biết, mặc dù được tập trung đầu tư nhưng sản lượng vận tải hành khách công cộng những năm gần đây có chiều hướng giảm. Trong khi hằng năm thành phố đều phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng để trợ giá xe buýt.

Chú thích ảnh
Việc trợ giá xe buýt đang còn nhiều bất cập và không mang lại hiệu quả như mong muốn.

"Thành phố cần phải làm rõ bài toán trợ giá xe buýt nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, việc quyết toán tiền trợ giá xe buýt cũng còn nhiều tồn đọng gây bức xúc cho các tài xế xe buýt. Tiền vé tập từ năm 2013 đến nay nợ các HTX cũng chưa thanh toán được. Vé tập thu vào nhiều hơn vé phát ra nhưng không phát hiện ra lỗi ở ai, cuối cùng các xã viên phải chịu trách nhiệm. Đây là điều không công bằng cho các xã viên” đại biểu Cao Thanh Bình cho biết thêm.

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Giao thông vận tải cho biết, từ khi TP khôi phục việc trợ giá cho xe buýt năm 2012 đến nay, nhiều người đặt vấn đề chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách đạt được có tương xứng với kinh phí trợ giá đã bỏ ra? Vừa qua, đơn vị cũng đánh giá chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách tăng, trong khi tỉ lệ trợ giá ngày càng giảm. Cụ thể, thời gian đầu tỉ lệ trợ giá cao đến 70% nhưng ba năm trở lại đây tỉ lệ trợ giá được kiểm soát còn khoảng 40%. Mức trợ giá này thấp nhất theo ghi nhận tại TP và một số tỉnh, thành lân cận.

Theo thống kê, tại thành phố hiện có khoảng 16.000 chuyến xe buýt/ngày, tính ra một năm có hơn 16 triệu chuyến xe buýt phục vụ người dân. Toàn bộ có khoảng 5.000 lái xe và nhân viên phục vụ trong hệ thống xe buýt. Tất cả được điều khiển bởi trung tâm điều hành, với 4.000 camera giám sát. Qua kiểm tra từ hệ thống điều hành, số trường hợp vi phạm, sai phạm đã giảm gần 30% so với năm trước.

Theo ông Cường, toàn bộ việc nghiệm thu khối lượng, sản lượng của các tuyến xe buýt có trợ giá đều được thực hiện bằng các ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, có hơn 700 phương tiện được đổi mới, và tiếp tục đổi mới trong năm 2019. Trong năm 2019, chắc chắn có nhiều thay đổi, giải pháp cải thiện môi trường ngành xe buýt để kiểm soát được lượng khách đi lại. Đồng thời, tối ưu hóa kế hoạch vận hành, điều chỉnh lại luồng tuyến. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ mời một số đối tác khác tham gia vào lĩnh vực hành khách công cộng để tăng tính cạnh tranh.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đầu tư cho xe buýt công cộng không mong có lời mà mong người dân thay đổi thói quen đi xe buýt công cộng.

Trong phiên họp tại Tổ của kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ông đã từng đi nhiều quốc gia phát triển nhưng không có quốc gia nào triển khai phương tiện công cộng mà đòi hỏi có lời, vấn đề đặt ra cần siết chặt  quản lý, tránh trục lợi trong việc trợ giá xe buýt hiện nay.

“Ở các nước phát triển, sự văn minh trong giao thông không phải là đi xe sang mà là đo lượng hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng nhiều hay ít. Phương tiện công cộng phải đúng chuẩn để hành khách cảm thấy mình đúng là khách hàng thực sự. Tuy nhiên, ở bước ta chưa làm tới mức đó, nguyên nhân còn do các phương tiện vận tải chưa đồng bộ với hệ thống nhà chờ, cơ sở vận chất, đường đi bộ tới trạm xe buýt còn thiếu… Nỗ lực của thành phố là đầu tư ngân sách để nâng dần chất lượng phục vụ hành khách đối với xe buýt trợ giá và tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân của người dân. Đây là cái lợi lớn nhất mà chính quyền thành phố đang hướng đến”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.

Chiều 5/12, tại phiên thảo luận tại hội trường kì họp lần thứ 12 HĐND  TP Hồ Chí Minh khóa IX, 100% đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã tán thành Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm 30 chức danh do HĐND TP Hồ Chí Minh bầu. Theo đó, Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhận được 86 phiếu (81,9%) Tín nhiệm cao, tiếp đó là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh được hơn 81 phiếu (77,14%).Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong được 74 phiếu Tín nhiệm cao (70,48%). Ngoài ra, có hai lãnh đạo thành phố có số phiếu Tín nhiệm thấp nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Thu và ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cùng 18 phiếu.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, cán bộ được đánh giá tín nhiệm thấp nhiều nhất cũng chưa đến 20% so với tổng số đại biểu HĐND (có 105 đại biểu, vắng 4, còn 101 đại biểu tham gia ghi phiếu). Việc lãnh đạo có phiếu tín nhiệm thấp chứng tỏ cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm và vẫn còn những tiếng kêu, bức xúc của người dân mà chính quyền chưa giải quyết được. Đặc biệt, một số vấn đề như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường... dù thành phố đã rất cố gắng nhưng sự chuyển biến chưa cao. Vì vậy, các giám đốc các Sở ngành có nhiều phiếu Tín nhiệm thấp đã phản ánh đúng mong muốn của cử tri. Sắp tới, các đại diện Sở ngành thành phố này cũng cần nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong công việc của mình để đại biểu và cử tri tin tưởng hơn.

 

Nguyễn Hoàng/Báo Tin tức
Xây dựng lực lượng công an TP Hồ Chí Minh thật sự trong sạch, vững mạnh
Xây dựng lực lượng công an TP Hồ Chí Minh thật sự trong sạch, vững mạnh

Ngày 5/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã  kiểm tra công tác năm 2018 tại Công an TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN