Một ngày công an TP Hồ Chí Minh phải xử lý 4 vụ đòi nợ tín dụng đen

Từ chỗ trung bình mỗi ngày chỉ xử lý 1 vụ đòi nợ tín dụng đen, sau 4 năm, hiện nay công an TP Hồ Chí Minh phải xử lý trung bình 4 vụ/ ngày. Đáng lo ngại, các vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen ngày gia tăng và phức tạp, thậm chí cả giết người đòi nợ, khiến việc quản lý cho vay tín dụng đen trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Đó là nhận định của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 5/12.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, thống kê mới nhất, TP Hồ Chí Minh là có 873 người hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó, hơn 2/3 là người ở các tỉnh phía Bắc và có không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã. Đáng lo ngại, các đối tượng cho vay tín dụng đen có chỗ ở không cố định, chủ yếu thuê nhà, nên rất khó xử lý.

Chính vì vậy, hậu quả của hoạt động đòi nợ tín dụng đen ngày phức tạp, nhẹ là xâm phạm chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; nặng nhất là liên quan đến tội giết người. Đặc biệt, năm 2018, tình trạng tội phạm liên quan đến tín dụng đen ngày càng gia tăng và có tính chất nghiêm trọng, trong đó có ba vụ giết người xuất phát từ việc không thu hồi được nợ.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tín dụng đen đang phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, do luật quy định xử phạt cho vay còn chồng chéo, dẫn đến khó xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, hay còn gọi là tín dụng đen.

"Cụ thể, trước năm 2018, theo luật hình sự cũ  thì gần như không vụ nào có thể khởi tố bởi luật quy định tình tiết luận tội phải có tính chất bóc lột, chuyên nghiệp và hàng loạt ràng buộc khác… Đến năm 2018 có luật hình sự mới, nhưng cũng chỉ quy định lãi suất khoảng 8,33%/tháng bị xem là có vi phạm và thu lợi bất chính, từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ. Mặt khác, trong toàn bộ hệ thống luật hành chính, không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định và việc cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự", Thiếu tướng Minh nói.

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen gây hậu quả nghiêm trọng cho trật tự an ninh xã hội tại thành phố, Thiếu tướng Minh cho rằng trước tiên cần sửa đồng bộ các quy định, trách nhiệm, hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này trong bộ luật hình sự, luật hành chính… từ đó ngành công an mới có cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm một cách căn cơ, hiệu quả. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh cũng đưa việc xử lý vi phạm liên quan đến tín dụng đen vào trong kế hoạch cao điểm phòng, chống tội phạm dịp Tết. 

UBND TP Hồ Chí Minh mới đây cũng có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Hoàng Quân/Báo Tin tức
Triệt phá tổ chức tín dụng đen khủng hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố
Triệt phá tổ chức tín dụng đen khủng hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố

Ngày 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an thông báo kết quả ban đầu chuyên án triệt phá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN