Theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, thời gian cách ly tập trung là 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh. Ban Chỉ đạo quốc gia cũng yêu cầu xét nghiệm 2 lần, lúc vào và lúc ra khỏi khu cách ly, để đảm bảo khi người cách ly an tâm trở lại cộng đồng và gia đình.
Như vậy, trong những ngày qua, có khoảng 2.000 trường hợp được rời khỏi các khu cách ly tập trung, nhưng có 2 trường hợp xác định bị nhiễm COVID-19 ngay sau xét nghiệm trước khi chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tập trung. “Đây là 2 trường hợp không có triệu chứng. Vì vậy, việc xét nghiệm cuối cùng là điều kiện rất quan trọng để quyết định cho người cách ly tập trung trở về nhà hay không, cho dù đã cách ly đủ 14 ngày”, bác sĩ Dũng cho hay.
Ngoài ra, Trung tâm cũng truyền thông để những người cách ly hiểu, chia sẻ về việc cần có kết quả chung của những người sinh hoạt chung cùng ra một ngày để Trung tâm có thể đánh giá được. Bởi nếu có trường hợp dương tính, Trung tâm phải điều tra lại trong quá trình ở khu cách ly thì những người dương tính mới này đã có tiếp xúc với người nào khác trước đó hay không.
“Về nguyên tắc ở trong phòng cách ly, phòng nào ở phòng đó, không tiếp xúc với phòng khác và trong phòng cũng không được tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không chấp hành quy định nên chúng tôi buộc phải tuân thủ những nguyên tắc về chuyên môn để đảm bảo người cách ly trở về với gia đình và cộng đồng thực sự an toàn. Tất nhiên, người cách ly trở về cộng đồng phải tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Dũng, một số nơi vì lý do khác nhau, có những trường hợp được cho ra khỏi khu cách ly mà chưa làm xét nghiệm lại lần 2. Đối với những trường hợp từ khu cách ly của các địa phương khác trở về TP Hồ Chí Minh mà chưa có xét nghiệm lần 2, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiếp cận để lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí có thể đưa đi cách ly tập trung nếu cần thiết vì chưa đạt yêu cầu an toàn cho người dân TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, yêu cầu về xét nghiệm phải đảm bảo sự chính xác cao, có kết quả đồng nhất, đồng loạt thì mới giải quyết cho ra khỏi khu cách ly.
Liên quan đến Bar Buddha (quận 2, TP Hồ Chí Minh), đây là một trong những ổ dịch quốc gia quan tâm. Ngay từ đầu khi phát hiện dấu hiệu ca bệnh đầu tiên là “bệnh nhân 91” – người phi công, để từ đó phát hiện được mối quan hệ tiếp xúc, khoanh vùng nhanh, tiếp cận, cách ly, lấy mẫu, kể cả những người từ 13-17/3 từng đến quán bar.
“Không thể có được con số cụ thể bao nhiêu người đã đến quán bar đêm 14/3, nhưng qua lời khai của những ca bệnh, chúng tôi xác định có khoảng gần 300 người dự tiệc trực tiếp. Hiện thành phố đã lấy mẫu 255 trường hợp, cũng là con số gần sát với dự tính và phát hiện 11 trường hợp mắc bệnh, 2 trường hợp nghi ngờ cao, cùng với đó là 5 trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc”, ông Dũng nói.
Ông Dũng nhận định, đến thời điểm này, các chuỗi lây nhiễm đã được kiểm soát khá tốt, chưa có dấu hiệu lây lan thêm. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp khai báo trễ, thậm chí cố tình không khai báo, để quá thời gian 14 ngày nhằm tránh bị cách ly nhưng thành phố xác định đây là nhóm nguy cơ cao nên cho dù đã quá 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán bar, những người này vẫn phải bắt buộc đi cách ly tập trung 14 ngày, kể từ ngày đưa vào khu cách ly. Việc khai báo không trung thực, giấu diếm dù là người nước ngoài cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh kế hoạch xét nghiệm để phục vụ cho công tác phòng chống dịch nói chung. Trong đó, có một số xét nghiệm cần ưu tiên, thứ nhất là những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và những trường hợp tiếp xúc gần với những ca nhiễm bệnh để xác định những yếu tố nguy cơ nhằm bao vây, khống chế, không để lây nhiễm trong cộng đồng. Thứ hai, những trường hợp xét nghiệm cuối trước khi ra khỏi các khu cách ly phải làm sao có kết quả sớm nhất để người dân có thể về nhà của mình 1 cách nhanh nhất. Thứ ba là, tăng cường xét nghiệm các mẫu giám sát sàng lọc trong cộng đồng...
Bác sĩ Dũng cho biết thêm, hiện thành phố đang phối hợp với viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hỗ trợ xét nghiệm cho nhóm thứ 2. Hiện năng lực của Viện có thể hỗ trợ thành phố từ 1.000 đến 1.500 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang chuẩn hóa các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật với công suất 1.000 - 1.300 test/ngày, tăng thêm khoảng 5.000 test/ngày trong tuần tới và hiện đang gấp rút thực hiện.
TP Hồ Chí Minh cũng đang chờ bộ xét nghiệm nhanh của Bộ Y tế cũng như các nhà tài trợ, dự kiến là 100.000 test nhằm tiến hành rà soát, đánh giá lây lan trong cộng đồng, nhất là những khu vực có nguy cơ cao.