Những ngày cuối tháng 4/2012, TP Cần Thơ đang náo nức chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng: Đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; Tổ chức Triển lãm- Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL gắn với sự kiện lịch sử kỷ niệm ngày 30/4/1975 hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chào mừng thành phố Cần Thơ 37 mùa xuân không ngừng đổi mới và phát triển, đã sánh vai trong tốp các đô thị loại I trực thuộc Trung ương và đang hướng đến trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Đô thị loại I thuộc Trung ương
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, nhờ có Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời được sự trợ lực mạnh mẽ từ các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và cả nước, toàn Đảng, toàn quân và dân TP Cần Thơ phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn thách thức đã giành được 5 thành tựu quan trọng khá toàn diện, với nhiều điểm nhấn đầy ấn tượng, góp phần hội tụ ngày càng nhiều các yếu tố quan trọng cần thiết để hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Cần Thơ đang khẳng định vai trò trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. |
Năm 2011, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn Cần Thơ tăng lên 19.887 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 49 triệu đồng, dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL.
Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt trên 15,13%/năm. Năm 2011, trong điều kiện khó khăn chung, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố là 14,46%, chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc nhóm tốt của cả nước và đứng thứ 2 so với các thành phố trực thuộc Trung ương.
Về Cần Thơ bây giờ không còn cách trở đò giang. Cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất, lớn nhất Đông Nam Á đang ngày đêm đưa đón hành khách xuôi ngược đi về; sân bay Cần Thơ cũng đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế. Hàng loạt công trình trọng điểm khác cũng được đưa vào sử dụng và phát huy tích cực hiệu quả như cảng Cái Cui giai đoạn 2, đường Nam sông Hậu, Quốc lộ 91B, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang), đường ô tô đến các trung tâm xã…đang góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Cần Thơ cũng đang hình thành và đưa vào hoạt động 8 khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung và hơn 50 tổ chức tín dụng có uy tín trong nước và quốc tế đang hoạt động với hệ thống mạng lưới 223 điểm giao dịch. Đặc biệt có sự góp mặt của hàng loạt trung tâm nghiên cứu khoa học, các viện, trường phục vụ sự phát triển đa dạng về kinh tế công, nông nghiệp, giáo dục- đào tạo, văn hóa, y tế cấp vùng… Các công trình, dự án, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng đang được triển khai về giao thông, thủy lợi, cụm tuyến dân cư vượt lũ cùng hơn 40 dự án xây dựng khu dân cư đô thị và hàng chục dự án xây dựng khu dân cư phục vụ tái định cư với tổng vốn đầu tư trên 13.500 tỷ đồng.
Hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch phát triển mạnh. Nhiều tuyến sông nội ô như sông Cần Thơ, Rạch Cái Khế, Rạch Khai Luông… đã được xây bờ kè làm thay đổi đáng kể cảnh quan môi trường của thành phố trẻ bên bờ sông Hậu. Hầu hết vỉa hè các đại lộ, tuyến đường nội ô đều được lát gạch cao cấp. Công viên bến Ninh Kiều nối dài cũng được xây bờ kè rộng thoáng, trở thành khu chợ đêm và tuyến phố dành riêng cho người đi bộ. Hơn 5 năm qua, Cần Thơ tập trung mọi nguồn lực tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó đặc biệt xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt an sinh xã hội… Tất cả đã và đang chăm chút, tạo nên vóc dáng của TP Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương trẻ trung, xanh, sạch, đẹp.
Hướng đến trung tâm kinh tế lớn
Được sự chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát, thiết thực từ Trung ương, tập thể lãnh đạo của Thành phố Cần Thơ đã phát huy lợi thế hợp tác phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang mang lại nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Thành phố kịp thời cập nhật mục tiêu tinh thần của Nghị quyết 45-NQ/TW vào các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng đang chiếm 44,6%, thương mại- dịch vụ chiếm gần 46% trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Hàng năm, Cần Thơ đóng góp 18,14% vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,38%/năm. Một số ngành công nghiệp phát triển mạnh nằm trong nhóm dẫn đầu toàn vùng như: Chế biến thủy sản, chế biến gạo xuất khẩu, rau quả, hóa dược, hóa chất, vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng, may mặc, chế biến gỗ... Sản phẩm công nghiệp của Cần Thơ xuất khẩu đến trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định cho Cần Thơ bổ sung thêm 3 khu công nghiệp vào định hướng phát triển khu công nghiệp cả nước với diện tích khoảng 1.600 ha. Đây là tiền đề quan trọng để TP Cần Thơ tiếp tục phát triển trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020. Trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản Cần Thơ phát triển theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đồng thời hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững, từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị chất lượng cao.
Đây cũng được xem là mũi đột phá của thành phố. Năm 2011, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 62,3 triệu đồng, giá trị tăng thêm gần 42 triệu đồng/ha so với 6 năm trước. Theo định hướng của Nghị quyết 45-NQ/TW và Quyết định số 492/QĐ-TTg về phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ - An Giang- Kiên Giang - Cà Mau, thành phố cũng đang tập trung phát triển, khẩn trương hoàn thiện các trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ; trung tâm du lịch; các trung tâm giáo dục - đào tạo; các trung tâm khoa học công nghệ, y tế, văn hóa…
Bên cạnh chăm lo huy động các nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thành phố cũng đã huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Hơn 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Cần Thơ đạt trên 92.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt gần 25.500 tỷ đồng. Cả 2 lĩnh vực này đều tăng 4,5 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Tăng trưởng GDP của thành phố luôn trong tốp dẫn đầu. Mỗi năm thành phố Cần Thơ cũng đã dành khoảng một nửa tổng thu nhập quốc dân để xây dựng kiến thiết thành phố, có thể nói TP Cần Thơ có bước phát triển nhảy vọt về đầu tư cơ sở hạ tầng. Thành phố cũng từng bước đưa công tác quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể đi vào nền nếp, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch ngành, lĩnh vực đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch tổng thể toàn vùng ĐBSCL.
Nhiều chuyên gia khi đánh giá về Cần Thơ đã tâm đắc: Thành phố Cần Thơ đã hội tụ các yếu tố quan trọng, cần thiết để trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có khả năng hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.
Mừng đất nước đổi mới, thành phố Cần Thơ 37 mùa xuân phát triển; càng phấn khởi, tự hào song trách nhiệm với chính mình và cộng đồng các địa phương trong khu vực cũng thật lớn lao. Nhiều khó khăn thách thức còn đang ở phía trước. Bước sang năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ vẫn còn nhiều trăn trở, bởi trên một số lĩnh vực tốc độ phát triển vẫn chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng, đang rất cần sự đầu tư lớn để phát triển nhanh đồng thời đảm bảo yếu tố bền vững để Cần Thơ ngày càng khẳng định vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn, đóng góp xứng đáng vào tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trần Khánh Linh