Tổng hợp COVID-19 ngày 9/9: Hà Nội tập trung xét nghiệm, tiêm chủng; thêm 12.420 ca nhiễm mới

Ngày 9/9, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật về phòng chống dịch COVID-19 như: Nhiều tín hiệu khả quan trong kiểm soát dịch ở TP Hồ Chí Minh; trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng; Hà Nội tập trung cao độ cho công tác xét nghiệm và tiêm chủng; Việt Nam có 12.420 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 272 ca tử vong…

Thêm 12.420 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 272 ca tử vong

Tính từ 17 giờ ngày 8/9 đến 17 giờ ngày 9/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca ghi nhận trong nước.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.750 ca.

Chú thích ảnh
Theo kế hoạch, Hà Nội tổ chức tiêm chủng phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca, trong đó có 335.396 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.417 ca.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố, ghi nhận 272 ca tử vong.

Hệ thống cũng bổ sung thêm 73 ca tử vong trong thời gian trước đó. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 310 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Nhiều tín hiệu khả quan trong kiểm soát dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh

Chiều 9/9, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trao đổi các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Về câu hỏi liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay: Như báo chí đã đưa tin, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang hết sức nỗ lực và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng qua thông tin báo chí Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, hiện tại đã có rất nhiều tín hiệu khả quan ở Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm soát dịch bệnh.

Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã có một số đề xuất như cho phép các nhân viên giao hàng được hoạt động trở lại rộng rãi hơn để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu cho nhân dân thành phố cũng như cho phép mở lại dịch vụ bán đồ ăn mang đi từ 6h đến 18h hằng ngày; đồng thời cũng tăng thời gian hoạt động cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đội ngũ giao hàng trong phạm vi một số quận, huyện.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc áp dụng thí điểm hộ chiếu vaccine COVID-19, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết: Như đã thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần trước, ngày 4/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang xúc tiến để có thể sớm triển khai hộ chiếu vaccine và điều chỉnh các quy định về xuất, nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các chuyên gia, người lao động và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; nghiên cứu triển khai chương trình thí điểm du lịch khép kín đối với khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine vào Việt Nam.

Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia về trẻ em vừa ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021, với mức 1 triệu đồng/trẻ em.

Đồng thời, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em cũng được dành cho các trẻ mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ người dân, trong đó có trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Theo số liệu thống kê của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 đã có 11.822 trẻ em là F0 và 27.334 trẻ em là F1. Dịch bệnh khiến trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, thậm chí nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân chăm sóc do cha, mẹ phải điều trị, cách ly hoặc tử vong do nhiễm COVID-19.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.663 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 9/9, Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.663 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi), với sự đóng góp của 541.966 tổ chức và cá nhân.

Ban quản lý đã xuất Quỹ thanh toán 373 tỷ đồng mua vaccine nên số dư còn lại là 8.290 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm cho 75 triệu dân và nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị xây dựng trang web Quỹ vaccine và thông tin về Quỹ được công khai trên trang web này.

Theo đó, số tiền các tổ chức và cá nhân gửi đến sẽ được thông báo và gửi biên lai ngay, thông tin được hiển thị trong ngày, công khai từng người, từng khoản ủng hộ.

Bộ Y tế phân bổ cho thành phố Hà Nội gần 1 triệu liều vaccine Sinopharm

Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 13, Bộ Y tế vừa phân bổ cho thành phố gần 1 triệu liều vaccine Sinopharm.

Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trực thuộc Sở về việc phân bổ số vaccine trên cho các quận, huyện để triển khai tiêm cho người dân.

Theo đó, các đối tượng được tiêm vaccine Sinopharm trong đợt này gồm: Tiêm mũi 1 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định gồm: lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21/NQ-CP; người mắc bệnh mãn tính (theo danh sách bệnh nhân mạn tính quản lý tại các bệnh viện, trung tâm y tế); phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở xuống, sau khi được giải thích nguy cơ, lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa; người trên 65 tuổi; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu như: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng; công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố; người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố và các nhóm đối tượng khác căn cứ vào lượng vaccine được phân bổ.

Hà Nội: Ứng trực nghiêm 24/7, tập trung cao độ cho công tác xét nghiệm và tiêm chủng

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2960/UBND-TKBT yêu cầu Bí thư các quận, huyện, thị ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19.

UBND và Sở Chỉ huy các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn phải tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện ứng trực nghiêm 24/7, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, công việc phòng chống dịch bệnh, nhất là đáp ứng yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, đảm bảo trực, sẵn sàng hoạt động 24/7 thiết bị giao ban trực tuyến để duy trì kết nối thông suốt với Sở Chỉ huy thành phố và đầu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tiếp nhận xử lý kịp thời ý kiến chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra đột xuất của Trung ương, thành phố và các công việc cấp bách, khó khăn vướng mắc phát sinh trong tổ chức triển khai thực hiện tại cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu tiếp cận y tế, an sinh xã hội của người dân.

XM/Báo Tin tức
Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng
Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia về trẻ em vừa ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021, với mức 1 triệu đồng/trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN