Thủ tướng: Thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam có đông dân cư, đông khu công nghiệp, khu chế xuất, sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 27 địa phương phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, trong điều kiện chưa có kinh nghiệm, còn nhiều khó khăn, song thời gian vừa qua, các bộ, ngành, nhất là các địa phương đã có nhiều nỗ lực, huy động được cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc tích cực và đã thu được những thành quả nhất định trong phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó đã hạn chế tối đa các ca tử vong; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; giao thông được đảm bảo, hàng hóa được lưu thông; an ninh, trật tự được giữ vững...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Có bộ, ngành, địa phương, có lúc, có nơi chưa bám sát, chưa dự báo trước được tình hình nên còn lúng túng, bất ngờ khi đối phó với những vấn đề phát sinh; một số người dân còn lơ là, mất cảnh giác, chấp hành chưa nghiêm các quy định, khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương. Do đó, kết quả phòng, chống dịch của một số địa phương chưa cao như mong muốn. Đặc biệt, khi thực hiện Chỉ thị 16, một số ngành, địa phương chưa lường hết được các khó khăn phát sinh nên cục bộ nảy sinh một số vấn đề như: Đáp ứng yêu cầu về y tế còn lúng túng, thiếu hụt; lưu thông hàng hóa có nơi còn ách tắc; có nơi, có lúc còn khan hiếm hàng hóa; hướng dẫn của các bộ, ngành có nơi còn chưa kịp thời; thông tin chưa đầy đủ, thiếu phân tích nên người dân hoang mang; một số thế lực thông tin bịa đặt, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung, có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu không có các giải pháp quyết liệt, kịp thời phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Các ổ dịch trong cộng đồng còn tiềm ẩn, dễ nảy sinh mất an ninh, trật tự. Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm sẽ dẫn đến chủ quan, hậu quả sẽ nặng nề hơn. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng bị tác động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân bị ảnh hưởng…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu, quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung; lấy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Theo đó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, dập dịch; tập trung cứu chữa kịp thời, hiệu quả cho các bệnh nhân để giảm tối đa ca tử vong; thực hiện chiến dịch tiêm vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học; không để người dân nào đói cơm, thiếu áo; giữ vững an ninh, trật tự bằng bất cứ giá nào; kiểm soát tốt biên giới và tại các khu cách ly, không để lây lan dịch bệnh; không gây lây nhiễm trong cộng đồng; ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, chặt chẽ; không gây phiền hà cho nhân dân, không gây ách tắc trong giao thông; bảo vệ vững chắc các khu công nghiệp, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn quốc và toàn cầu.
Ngày 15/7, Việt Nam ghi nhận 3.416 ca mắc mới COVID-19
Từ 6 giờ đến 17 giờ 30 phút ngày 15/7, Việt Nam có 1.922 ca mắc mới COVID-19, TP Hồ Chí Minh bổ sung 689 ca đã được phát hiện trước đó.
Như vậy, trong ngày 15/7, Việt Nam ghi nhận 3.416 ca mắc mới COVID-19.
Tính đến 19 giờ 30 phút ngày 15/7, Việt Nam có tổng cộng 38.858 ca ghi nhận trong nước và 1.992 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 37.288 ca, trong đó có 6.914 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Có 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.133 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 15/7, Quỹ đã tiếp nhận được 8.133 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 447.925 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng, quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Theo Bộ trưởng, trong cuộc chiến với COVID-19, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Nhưng kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động của tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm
Ngày 15/7, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn chỉ đạo quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc chấn chỉnh hoạt động của Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm và tăng cường công tác kiểm soát tại các khu phong tỏa.
Do công tác phối hợp, chỉ đạo việc lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa phương có lúc chưa nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ và còn chậm so với yêu cầu đặt ra; công tác kiểm soát, quản lý tại các khu phong tỏa vẫn chưa nghiêm, còn tình trạng người dân trong khu phong tỏa đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương tổ chức vận hành hiệu quả Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh”.
Trong đó, “Rõ” là xác định trách nhiệm rõ ràng, mọi hoạt động của Tổ do Tổ trưởng điều hành, chỉ đạo, có thẩm quyền phân công nhiệm vụ cho các đội, tổ hỗ trợ, tăng cường do Thành phố cử xuống địa phương để hỗ trợ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả.
Về tăng cường kiểm soát tại các khu phong tỏa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong khu phong tỏa ủng hộ và thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách cũng như các quy định về phòng, chống dịch; thường xuyên chỉ đạo và phát huy Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình; không để tình trạng người dân trong khu phong tỏa tập trung vi phạm quy định về giãn cách, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu phong tỏa, để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công bố 69 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 7/6 đến 15/7
Từ ngày 7/6/2021 tới ngày 15/7/2021, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 69 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chiều 14/7/2021, báo cáo của UBND Thành phố cho hay: Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 14/7/2021 tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 130 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong số này có 48 ca đã được Bộ Y tế công bố.
Ngay sau đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để rà soát lại các ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn và đề nghị Sở cập nhật đầy đủ dữ liệu về các ca tử vong này trên hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (cdc.kcn.vn).
Theo dữ liệu của hệ thống phần mềm này, tại các cơ sở điều trị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, từ ngày 7/6/2021 tới ngày 15/7/2021 có 69 ca tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 rà soát các ca được xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, các ca khỏi bệnh và ca tử vong do COVID-19 (nếu có) và nhanh chóng cập nhật thông tin về những ca này trên hệ thống đăng ký ca mắc mới và hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19, để Bộ Y tế có cơ sở thông báo chính thức về các trường hợp mắc mới, trường hợp khỏi bệnh và trường hợp tử vong.
Bộ Y tế phê duyệt vaccine COVID-19 Vaccine Janssen của hãng Johnson & Johnson
Ngày 15/7, Bộ Y tế có Quyết định số 3448/QĐĐ-BYT, phê duyệt có điều kiện đối với vaccine COVID-19 Vaccine Janssen của hãng Johnson & Johnson.
Theo đó, vaccine được phê duyệt có tên là: COVID-19 Vaccine Janssen.
Vaccine có thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều 0,5 ml chứa Adenovirus chủng 26 được mã hóa glycoprotein cầu gai của SARS-CoV-2 (Ad26.COV2-S), lượng không nhỏ hơn 8,92 log10 đơn vị nhiễm khuẩn (Inf.U).
Vaccine này được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm. Quy cách đóng gói, mỗi hộp chứa 10 lọ; mỗi lọ chứa 5 liều, mỗi liều 2,5ml.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 6 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gồm: Vaccine Astra Zeneca; vaccine Sputnik; vaccine Pfizer; vaccine Vero Cell; vaccine Spikevax (Tên khác là: COVID-19 Vaccine Moderna) và vaccine COVID-19 Vaccine Janssen.