Ở nơi heo hút, xa xôi nhất tỉnh Lai Châu, các chiến sĩ biên phòng thuộc Đồn biên phòng Ka Lăng vượt mọi khó khăn, gian khổ bám địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Xây dựng thế trận lòng dânTiết trời đông biên giới giá lạnh, mây mù bao phủ núi rừng, năm giờ rưỡi sáng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng đã thức dậy. Sau bữa cơm sớm, tổ vận động quần chúng xuống bản để nắm tình hình, hướng dẫn bà con chống rét cho đàn gia súc và gia cầm, quân y xuống trạm y tế kết hợp khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân.
Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng Lai Châu trên đường tuần tra biên giới. |
Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng giới thiệu về nhiệm vụ của Đồn: Đồn Biên phòng Ka Lăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 28,642 km, bốn mốc (18, 34, 35, 36). Địa bàn phụ trách gồm xã Tá Bạ, xã Ka Lăng thuộc huyện Mường Tè, nằm cách cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng hơn 300 km, địa hình rừng núi chia cắt, đường giao thông độc đạo đi lại khó khăn và thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Trên địa bàn hai xã có dân tộc Hà Nhì, dân tộc La Hủ sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống lạc hậu, tụ cung tự cấp. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ xác định tư tưởng rõ ràng, chịu khó, chịu khổ bám địa bàn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giúp nhân dân ổn định đời sống và dần nâng cao nhận thức, vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo.
Ngoài sân, trời đổ mưa nhẹ, các chiến sĩ sẵn sàng tư trang xuống cơ sở. Mưa, người dân không đến trạm y tế xã được, chiến sĩ quân y, thiếu úy Nguyễn Đình Đăng đội áo mưa, khoác túi thuốc và dụng cụ khám xuống bản Me Gióng (xã Ka Lăng), cách đồn khoảng 3 km. Trưởng bản Lỳ Phì Xá tay bắt, mặt mừng, lấy bát rót nước nóng mời khách uống cho ấm bụng, và đi thông báo dân bản tập trung về nhà mình để cán bộ biên phòng khám bệnh. Người lớn, trẻ em đến lúc một đông. Ai cũng cười nói vui vẻ, vì được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí.
Trên đường về, chúng tôi thong thả leo dốc. Nhìn khuôn mặt trung úy Đăng vui vẻ, tôi hỏi công việc này có diễn ra thường xuyên không, ý thức của bà con về bệnh tật thế nào? Chiến sĩ quân y Nguyễn Đình Đăng nói: “Trước kia bà con còn mê tín, dị đoan, ốm đau là cúng con ma chữa bệnh, nhưng được chính quyền và cán bộ biên phòng tuyên truyền nên đã ý thức đến trạm y tế để khám, xin thuốc uống. Hàng tháng, đơn vị phối hợp với trạm y tế xã xây dựng kế hoạch, thứ hai, thứ tư và thứ sáu tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con ở bản gần, còn ở bản xa thì một tháng một lần. Công việc của tôi cũng vất vả, nhưng thấy bà con khỏe mạnh, uống thuốc khỏi bệnh thì mệt nhọc trong mình tan biến”.
Sau bữa cơm tối, ngồi nhâm nhi ly nước chè, thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc kể về cuộc hạ sơn thần kỳ của người La Hủ trên đỉnh Bắc Ka Lăng, nay là xã Tá Bạ. Người La Hủ được gọi là Tộc Lá Vàng, vì họ quen sống du canh du cư, biệt lập với bên ngoài, khi lá lợp lán ngả sang màu vàng thì đúng lúc ở chỗ đó hết nguồn thức ăn nên chuyển đến chỗ mới. Năm 2009, tiếp tục thực hiện chủ trương của Nhà nước, chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể vào cuộc vận động người La Hủ về ở tập trung, ổn canh ổn cư. Đồn Ka Lăng cùng với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu vất vả hàng tháng để làm 20 ngôi nhà đoàn kết, đi từng chỏm núi đến từng lán, vận động từng người về nhà mới ở. Thượng tá Ngọc kể: Họ ở trong rừng sâu, thấy người lạ vào thì bỏ trốn, chính quyền và chiến sĩ biên phòng kiên trì vận động, họ mới chấp nhận hạ sơn. Cả bản không ai biết chữ, bộ đội biên phòng làm thầy giáo quân hàm xanh, đứng lớp dạy bố mẹ, dạy con cái, cả nhà đến lớp học chữ xóa mù. Tổ công tác cắm bản, cầm tay chỉ việc, từ việc nhỏ quét nhà, tắm giặt, đến việc vun luống trồng rau xanh, làm chuồng nuôi lợn gà… Đến nay, đời sống của người dân đã ổn định, có trường có lớp, bà con biết khai hoang ruộng, nương để trồng lúa.
Biên giới là quê hương Các chiến sĩ biên phòng ở Đồn Ka Lăng mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, người vợ con ở dưới xuôi, người thanh niên chưa vợ, người gặp duyên yêu thương cô giáo rồi lập gia đình ở ngay tại xã. Ai cũng xem đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con là anh em ruột thịt để cống hiến, đùm bọc nhau trong cuộc sống.
Bộ đội Biên phòng Lai Châu cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. |
Thượng úy Chu Minh Thành, Đội trưởng Đội vận động quần chúng tâm sự: Các chiến sĩ biên phòng đóng trên địa bàn, nếu không được nhân dân tin tưởng và yêu quý, giúp đỡ thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Từ thông tin nhỏ nhất cũng do bà con thông báo kịp thời, chuẩn xác. Đội tuần tra cột mốc đi hàng tuần, hàng tháng trong rừng sâu, không có nhà dân để trú chân, ngủ qua đêm thì sao có thể chịu nổi giữa rừng thiêng, nước độc, giá lạnh này… Xây dựng niềm tin trong nhân dân là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ; từ việc giúp dân làm nhà đoàn kết, hướng dẫn làm kinh tế, giúp làm mùa và khai hoang ruộng nước, chăm sóc sức khỏe, dạy chữ, cho đến việc thăm hỏi dịp lễ Tết, hiếu hỷ. Khi người dân tin rồi, xem chiến sĩ biên phòng như người con trong nhà, thì nói gì cũng nghe, bảo gì cũng làm”.
Năm 2013, thành lập xã mới Tá Bạ, để củng cố chính quyền cơ sở, thượng úy Phạm Văn Thắng thuộc quân số của Đồn Ka Lăng được cử tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Ngay sau khi ra trường, anh Phạm Văn Thắng được cử về Đồn Ka Lăng công tác, 12 năm kinh nghiệm gần cơ sở, gắn bó và hiểu người dân, biết nói tiếng dân tộc nên đủ yếu tố để thực hiện nhiệm vụ. Vợ con vẫn ở Vĩnh Phúc, thỉnh thoảng anh Thắng mới có điều kiện về thăm nhà, còn lại là bám sát địa bàn, nghĩ cách để dần nâng cao đời sống và nhận thức của bà con. Thượng úy Phạm Văn Thắng chia sẻ: Vợ thường xuyên động viên chồng, con động viên cha “anh em sống và phấn đấu được, vì bà con dân tộc vùng biên thì anh, bố hãy cố gắng chịu khó, chịu khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vợ con tin tưởng và sẽ là hậu phương vững chắc…”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng