Tình hình COVID-19 ngày 14/5: Thêm 104 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; toàn hệ thống 'trực chiến' phòng dịch

Trong ngày 14/5, dư luận quan tâm đến công tác phòng dịch COVID-19 như: Trong nước ghi nhận 104 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng; thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 với giá 1,5 triệu đồng là lừa đảo; toàn hệ thống luôn đặt trong tình trạng 'trực chiến…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Toàn hệ thống luôn đặt trong tình trạng 'trực chiến'

Mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng ở cộng đồng đã có mầm bệnh và sẵn sàng bùng phát. Do đó, toàn hệ thống luôn đặt trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm trong cộng đồng, lập tức ra quân, khoanh vùng dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Khu vực bệnh nhân sinh sống ở tổ 5, Khu đô thị Petro Thăng Long, Phường Quang Trung, TP Thái Bình được phong tỏa. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo chiều 14/5, tại Trụ sở Chính phủ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số lượng ca mắc có thể tiếp tục gia tăng do còn nhiều F1 đang được tiếp tục truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhưng đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm (từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1 liên quan đến các ổ dịch cũ). Cùng với đó, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng, tại một số địa phương khác, đặc biệt tại các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua.

Phân tích diễn biến các nguồn lây nhiễm liên quan đến Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc - Yên Bái, ông Đặng Quang Tấn cho biết, các nguồn lây này đã được kiểm soát, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Đối với thành phố Đà Nẵng, ngày 12/5, ghi nhận chùm ca bệnh tại Khu Công nghiệp An Đồn với 45 ca mắc COVID-19. Bước đầu, chùm lây nhiễm tại đây đã bước đầu được kiểm soát, số lượng xét nghiệm thực hiện lớn, hầu hết cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa được xác định rõ nên có khả năng ghi nhận các ca bệnh ở một số khu vực khác; khuyến nghị thực hiện sàng lọc cộng đồng trên diện rộng, tập trung tại những nơi có nguy cơ cao như khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, siêu thị, trường học…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh tất cả các lực lượng chức năng, các địa phương, đặc biệt những điểm “nóng nhất” trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng đã tích cực vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc - Yên Bái cơ bản được kiểm soát; dự kiến sau 3 - 5 ngày nữa, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng cơ bản được kiểm soát. Trong những ngày tới đây, các địa phương sẽ ghi nhận thêm các ca mắc COVID-19 nhưng đều được cách ly hoặc khoanh vùng trước đó.

Đáng chú ý, xét nghiệm chậm là một trong những nguyên nhân Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm soát dịch bệnh chậm hơn so với dự kiến. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ 2 địa phương này để cơ bản trong 2 - 3 ngày tới, kiểm soát được dịch bệnh. Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh các địa phương có nhiều sáng kiến, đặc biệt Bắc Giang và Quảng Ninh cam kết hỗ trợ "theo chiều ngang", đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Hiện có hàng nghìn kỹ sư, công nhân, người lao động... làm việc ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, cư trú ở các địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia nhận định, nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ cho các địa bàn cư trú. Trên tinh thần "không được để ngăn sông, cấm chợ", ách tắc sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang phương án tăng cường năng lực xét nghiệm; sau đó rút kinh nghiệm cho tất cả các địa phương có khu công nghiệp tập trung, phải có danh sách kỹ sư và công nhân, người lao động cư trú ở các địa phương khác, làm việc tại địa phương. Khi dịch bệnh xuất hiện, cụ thể như Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay, các lực lượng phải ưu tiên xét nghiệm cho nhóm trường hợp này bằng các phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, trên tinh thần đảm bảo an toàn cho nơi sản xuất và cư trú.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế vừa qua đã tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và các địa phương, đã tiến hành bàn bạc để sớm có hướng dẫn kết hợp các loại xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Cùng với việc xây dựng các chiến lược mới trong công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý cần có các phương án, hướng dẫn cụ thể đối với từng tình huống dịch bệnh cho hiệu quả nhất, tránh cực đoan "tuyệt đối hóa xét nghiệm Realtime-PCR" hoặc ồ ạt xét nghiệm nhanh. Nếu không có hướng dẫn kỹ lưỡng sẽ dẫn đến lãng phí, không hiệu quả. Do đó, ngoài hướng dẫn bằng văn bản, Bộ Y tế sớm thành lập, củng cố Tổ chuyên gia tư vấn cho các địa phương trong mọi tình huống dịch bệnh, tương tự cơ chế nhóm chuyên gia đầu ngành hỗ trợ các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng trước đó.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, một trong những khó khăn hiện nay, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, do đó, việc quản lý công nhân, đặc biệt những trường hợp F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 14/5, Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia đã gọi điện kiểm tra, phát hiện còn 22/66 trường hợp F2 (được công bố vào ngày 12/5) chưa được chính quyền, y tế cơ sở đưa vào diện theo dõi, cách ly y tế tại nhà.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên thực tế, việc truy vết và quản lý các trường hợp F2, F3 vẫn còn lỏng lẻo. Các địa phương thực hiện nghiêm túc trong việc quản lý những trường hợp này, tránh tạo nên "mầm họa dịch bệnh trong cộng đồng". Phó Thủ tướng đề nghị nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia; ngoài công cụ nhắn tin tự động, trực tiếp gọi điện cho các trường hợp F2, F3 như đã thực hiện trong những đợt chống dịch trước đó; tăng cường sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng công an truy vết ở cơ sở với lực lượng theo dõi các trường hợp F2, F3 dựa vào các mã QR code khai báo y tế để có thông tin hữu ích, truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng lưu ý, thực tiễn vừa qua cho thấy, tất cả những nơi không thực hiện nghiêm Thông điệp 5K đều dễ xảy ra hậu quả. "Trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương không thực nghiêm, để dịch bệnh xảy ra, dứt khoát phải cột trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định", Phó Thủ tướng lưu ý.

Ngày 14/5, trong nước ghi nhận 104 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 12h đến 18h ngày 14/5, Việt Nam ghi nhận 60 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa và 59 ca mắc ghi nhận trong nước.

59 ca mắc ghi nhận trong nước tại: Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (1), Bắc Ninh (33), Hà Nội (12), Bắc Giang (6), Đà Nẵng (3), Thái Bình (1), Điện Biên (1), trong đó số ca mới trong khu vực đã được cách ly là 56 ca; số ca mới trong bệnh viện được phong tỏa là 3 ca; không phát hiện các ổ dịch mới.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 14/5, Việt Nam có tổng cộng 2.357 ca ghi nhận trong nước và 1.459 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 787 ca.

Thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 với giá 1,5 triệu đồng là lừa đảo

Gần đây xuất hiện thông báo của Công ty cổ phần TTC thông báo về việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động của công ty này với kinh phí hai mũi là 1,5 triệu đồng tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong hai ngày 12-13/5/2021. Vaccine được tiêm là Sputnik của Nga. Công văn này cũng lưu ý đối với người nhà cán bộ, công nhân viên của công ty nếu đăng ký thêm vaccine qua công ty sẽ tự chịu 100% kinh phí tiêm chủng.

Liên quan đến nội dung trên, đại diện Bộ Y tế cho biết đây là thông tin lừa đảo vì việc tiêm vaccine hiện nay thực hiện theo quy định; không có tiêm dịch vụ. Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã khẳng định không có thông tin trên. Do đó, các tổ chức, cá nhân cần đề cao cảnh giác trước trò lừa đảo này, tránh để mất tiền oan.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế Chính phủ đang nỗ lực để sớm có vaccine tiêm cho toàn dân, để bảo vệ sức khoẻ nhân dân trước đại dịch COVID-19. Việc tiêm chủng vaccine hiện nay đang ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch; các đối tượng khác sẽ được tham gia khi có vaccine.

Các địa phương chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 đợt 3 với lô vaccine mới

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị tốt cho đợt tiêm thứ 3 vaccine COVID-19, đảm bảo "tiêm đến đâu an toàn đến đó".

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 16/5/2021 tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng. Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: "Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Song song với đó, các địa phương sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt trước để chuẩn bị cho triển khai cho đợt tới. Chúng tôi đặc biệt lưu ý các địa phương phải tổ chức tiêm chủng an toàn và phòng lây nhiễm COVID-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia”.

Các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa khi vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Các chuyên gia cũng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, việc tiêm vaccine là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

UBND Hà Nội yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc với Giám đốc Hacinco vi phạm quy định phòng, chống dịch

Chiều 14/5, UBND Hà Nội có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở Hà Nội có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hacinco 2, do vi phạm kỷ luật lao động và phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, căn cứ mức độ vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh trong vi phạm phòng chống dịch COVID-19 và quy định hiện hành về quản lý với người quản lý doanh nghiệp Nhà nước, UBND Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở Hà Nội có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hacinco trong việc chấp hành các quy định về kỷ luật lao động và vi phạm phòng chống dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng với cộng đồng và xã hội.

Cũng trong ngày 14/5, Thành ủy Hà Nội có quyết định số 1069- QĐ/TU về việc đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội.

Như báo Tin tức đã đưa tin, sáng 13/5, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã họp để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc trong việc vi phạm quy định phòng chống dịch với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco).

Tại cuộc kiểm điểm, theo thẩm quyền và quy định, Tổng giám đốc Tổng Công ty đã nghiêm khắc yêu cầu Ban giám đốc Công ty Hacinco báo cáo kiểm điểm và đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tổng Công ty xem xét, tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội với ông Nguyễn Văn Thanh để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc trong việc vi phạm quy định phòng chống dịch.

Trước đó, tối muộn ngày 12/5, Sở Nội vụ TP Hà Nội có văn bản thượng khẩn về việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh COVID -19, gửi Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico).

Thủ đoạn của tội phạm tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, gây nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực bám nắm địa bàn, đối tượng, phối hợp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn một cách hiệu quả đối với loại tội phạm tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, sau khi phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 10 vụ án/17 bị can (trong đó có 5 bị can là người Trung Quốc, 12 bị can là người Việt Nam), về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép", quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Đối với 10 vụ án trên, các bị can đã tổ chức, môi giới cho 173 người nước ngoài (trong đó 163 người Trung Quốc, 10 người từ các nước khác) nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Qua công tác điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận định: Các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép chủ yếu là người Trung Quốc, có độ tuổi từ 18 đến 30. Mục đích nhập cảnh trái phép là để tìm kiếm việc làm; sử dụng mạng internet thực hiện các loại tội phạm công nghệ cao (đánh bạc online, chạy phần mềm quảng cáo để lừa đảo....); trốn truy nã của nước sở tại; trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ 3 (Campuchia, Thái Lan, Lào....) để tìm việc làm.

Xử phạt 6 facebooker thông tin sai sự thật ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phòng chống dịch COVID-19

Trong 3 ngày 12, 13 và 14/5/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook đã có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID 19.

Cụ thể về 6 facebooker gồm: Nguyễn Thị Xuân, địa chỉ phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), chủ tài khoản facebook "Kho sỉ Hà Xuân"; Trần Thanh Bình, địa chỉ Văn Quán, Hà Đông, chủ tài khoản facebook "Trần Thanh Bình"; Nguyễn Phụng Anh, địa chỉ phường Thanh Xuân Trung, Hà Đông, chủ tài khoản facebook "Nguyen Phung Anh"; Vũ Thị Xoan, địa chỉ Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, chủ tài khoản facebook "Tich Chu (Xoan Vũ)"; Phùng Thị Hồng Vân, địa chỉ xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, chủ tài khoản facebook "Phùng Thị Hồng Vân"; Nguyễn Tùng Lâm, địa chỉ phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, chủ tài khoản facebook "Nguyễn Tùng Lâm".

Các cá nhân trên đã tự thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân thông qua việc sử dụng mạng xã hội facebook để đăng tải bài viết: “Tuần sau là mốc quan trọng. chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 lên mức 100-500 ca! và có khoản 12 ngày (sau thiết lập mốc 500) để lên 1000-5000 ca!... (PTT. Vũ Đức Đam)”.

Đây là thông tin giả mạo, sai sự thật. Việc các cá nhân đăng tải thông tin trên đã vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, được quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mỗi cá nhân xử phạt 12,5 triệu đồng. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng yêu cầu các cá nhân gỡ bỏ thông tin vi phạm.

XC/Báo Tin tức
UBND Hà Nội yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc với Giám đốc Hacinco vi phạm quy định phòng, chống dịch
UBND Hà Nội yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc với Giám đốc Hacinco vi phạm quy định phòng, chống dịch

Chiều 14/5, UBND Hà Nội có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở Hà Nội có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hacinco 2, do vi phạm kỷ luật lao động và phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN