Thêm 6 ca mắc COVID-19 được cách ly
Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 23/4, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới, trong đó có 2 người nước ngoài và 4 người Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Ca bệnh 2825 (nam, 37 tuổi), địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Ngày 8/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8679 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ca bệnh 2826 (nam, 50 tuổi, quốc tịch Philippnes), là thuyền viên trên tàu di chuyển từ Trung Quốc đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 18/4/2021. Đây là trường hợp được cách ly ngay trên tàu tại khu vực neo đậu Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bênh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hiện được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền.
Ca bệnh 2827 (nam, 37 tuổi, quốc tịch Ấn Độ), là chuyên gia. Bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Dubai, Hàn Quốc, sau đó nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay OZ773 ngày 20/4/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Ca bệnh 2828 (nam, 23 tuổi), địa chỉ tại huyện An Phú, tỉnh An giang. Ngày 20/4/2021, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh tại Cửa khẩu Long Bình và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh An Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Ca bệnh 2829 (nữ, 23 tuổi), địa chỉ tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN62 ngày 18/4/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Ca bệnh 2830 (nữ, 27 tuổi), địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Ngày 21/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay JL759 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.830 ca mắc COVID-19, trong đó 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đã chữa khỏi 2.490 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế có 12 người nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 11 người âm tính lần hai và 17 người âm tính lần ba. Cả nước hiện có 39.191 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly, theo dõi sức khỏe; trong đó 518 người được cách ly tại bệnh viện, 23.688 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 14.985 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Công điện tăng cường quản lý các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam.
Công điện nêu: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương đã tổ chức nhiều chuyến bay chuyên chở các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và đưa công dân, lao động Việt Nam có nhu cầu về nước, trong đó có nhiều lao động hết hạn hợp đồng, quá hạn lưu trú, bị mắc kẹt tại nước sở tại.
Tuy nhiên, công tác quản lý còn những bất cập, sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong khâu tổ chức, giám sát các chuyến bay (tần suất chuyến bay, số lượng khách trên mỗi chuyến so với kế hoạch được phê duyệt).
Số lượng người nhập cảnh về địa phương quá lớn trong thời gian ngắn đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng phòng chống dịch của địa phương, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thời gian tới, dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch; trong khi đó, cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời tổ chức hoạt động kỷ niệm nhân dịp ngày Lễ 30/4-01/5.
Để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh nêu trên theo quy định, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực được giao tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 về việc tổ chức các chuyến bay chuyên chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao người nước ngoài và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và công dân, lao động, học sinh Việt Nam về nước; tăng cường phối hợp, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức chuyến bay, bảo đảmtần suất, đối tượng và số lượng người, chuyến bay theo kế hoạch được duyệt, phù hợp khả năng tiếp nhận trong nước; đồng thời tổ chức lực lượng chức năng để giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, không để xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, tránh trục lợi, tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19.
Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải và các địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao giải quyết nhanh, thuận lợi, công khai việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xem xét kỹ, giải quyết phù hợp các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, nhất là trong thời gian từ nay đến ngày 31/5/2021, trừ các trường hợp đối ngoại do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất.
Căn cứ năng lực tiếp nhận của địa phương, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh; tổ chức giám sát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây nhiễm trong cơ sở cách ly và từ khu vực cách ly ra cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trục lợi và không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất với Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chỉ thực hiện cấp phép các chuyến bay chuyên chở các đối tượng nhập cảnh nêu trên khi có ý kiến đồng ý, tiếp nhận cách ly người nhập cảnh của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài và các cơ quan liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông về chủ trương, chính sách nhập cảnh và phòng chống COVID-19 của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tuyên truyền vận động công dân Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ các quy định của nước sở tại, không nhập cảnh trái phép về nước.
TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 200 tỷ đồng ủng hộ mua vaccine phòng dịch
Chiều 23/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp nhận kinh phí trị giá hơn 200 tỷ đồng do các tập thể, cá nhân ủng hộ mua vaccine phòng dịch.
Theo bà Tô Thị Bích Châu-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tính đến 12 giờ ngày 23/4, đã có 31 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ 200,011 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác mua vaccine phòng dịch COVID-19. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng phối hợp với Sở Y tế triển khai kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn kinh phí mua vaccine và tiến hành tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi đồng bào Thành phố, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc và cá nhân bằng tình cảm, tấm lòng nhân ái, sẻ chia tham gia ủng hộ kinh phí mua vaccine phòng dịch COVID-19.
Đến nay, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hàng hóa, thiết bị tiền mặt trị giá gần 270 tỷ đồng từ các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố.
Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã kịp thời phân bổ số hàng hóa, thiết bị và tiền mặt trị giá gần 180 tỷ đồng đến các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng dịch nơi biên giới, hỗ trợ những người nghèo, gặp khó khăn, ảnh hưởng do COVID-19.
Làm rõ trách nhiệm tham mưu, đề xuất của các bị cáo
Ngày 23/4, trong phần xét hỏi tại phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh của người xây dựng dự thảo, tham mưu, trình ký các văn bản đề xuất chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận I, TP Hồ Chí Minh).
Bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt ra một số câu hỏi đối với lãnh đạo Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco) xung quanh các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư… Bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sabeco), ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước của Bộ Công Thương tại Sabeco) đều cho rằng đã ký các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư bởi áp lực từ nhiều phía.
Đó là áp lực từ việc Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) không có tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Thêm vào đó là áp lực về vốn xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ đồng và áp lực từ phía lãnh đạo Bộ Công Thương thường xuyên nhắc nhở, phê bình, yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư.
Ông Phan Đăng Tuất còn cho biết, suốt thời gian thực hiện dự án, ông nhận được sự chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Nam Hải và Hồ Thị Kim Thoa, còn bị cáo Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng đi đàm phán ở nước ngoài nên không có chỉ đạo gì. Bản thân ông Tuất cũng chưa lần nào bị Bộ trưởng gây áp lực.
Liên quan đến công văn số 3512/SKHĐT-PTHT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, bị cáo Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) thừa nhận đã không lấy ý kiến các sở, ngành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín.
Tại phiên tòa, các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND thành phố của người xây dựng dự thảo, tham mưu, trình ký. Các bị cáo Lê Quang Minh, Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các bị cáo đã căn cứ vào Luật Đầu tư, doanh nghiệp đã được thành lập và có tư cách pháp nhân.
Các bị cáo cũng đã kiểm tra tình hình góp vốn theo tỷ lệ của các nhà đầu tư bằng cách yêu cầu Hội đồng quản trị Sabeco Pearl bổ sung văn bản cam kết và có xác nhận của thành viên Hội đồng quản trị. Bị cáo Lâm Nguyên Khôi cho rằng, nhận thức của bị cáo là việc lập doanh nghiệp đã có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và các văn bản trình ký là bước đầu để doanh nghiệp có tư cách thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Bị cáo Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố) cho rằng trách nhiệm kiểm tra, rà soát cơ sở pháp lý của các văn bản thuộc về các sở chuyên môn. Bị cáo thấy đủ hồ sơ thủ tục nên đã tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra các quyết định liên quan đến dự án này.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.
Mặc dù chưa lấy ý kiến liên ngành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, ngày 24/4/2015, bị cáo Lê Quang Minh đã tham mưu, đề xuất bị cáo Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ký Công văn số 3512/SKHĐT-PTHT đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Ngày 7/5/2015, bị cáo Nguyễn Thanh Chương đã tham mưu, đề xuất bị cáo Lê Văn Thanh ký Tờ trình (không số) tham mưu, đề xuất bị cáo Nguyễn Hữu Tín chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3512/SKHĐT-PTHT nêu trên, gửi kèm dự thảo đề xuất bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký Công văn số 2493/UBND-ĐTMT ngày 11/5/2015, với nội dung: Chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các thủ tục đầu tư, nghĩa vụ tài chính đối với khu đất.
Cũng trong phần thẩm vấn sáng 23/4, bị cáo Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) cho rằng, các văn bản do bị cáo tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng ký đều đã được lấy ý kiến của vụ chức năng khác trong Bộ Công Thương qua hai hình thức: Văn bản hoặc thư điện tử.
Bị cáo Dũng cũng khai, trong các cuộc họp, không có cá nhân hay bộ phận nào cảnh báo với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc đầu tư ngoài ngành, về việc vi phạm quản lý đất đai. Bản thân bị cáo Phan Chí Dũng cũng nhận thức rằng đây là dự án xây dựng trụ sở cho Sabeco nên là dự án trong ngành, phục vụ ngành.
Theo cáo trạng, các bị cáo Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng đã trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo Bộ Công Thương duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính; chấp thuận cho Sabeco liên kết thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó, các bị cáo đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.