Tin nổi bật ngày 11/3

Trong ngày 11/3, dư luận quan tâm đến tin nóng như: Thường trực Chính phủ họp phân bổ ngân sách trung hạn; Việt Nam thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh; Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; Các nhà mạng gấp rút tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money; Cháy lớn ở TP Thủ Đức, ba căn nhà bị thiêu rụi…

Thường trực Chính phủ họp phân bổ ngân sách trung hạn

Sáng 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu tập trung vào những công trình hạ tầng quan trọng, then chốt, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội mở đầu cho giai đoạn 5 năm.

Sau khi nghe các thành viên dự họp phát biểu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước, mang tính toàn diện cả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nêu rõ nguồn vốn đầu tư trung hạn này mới chỉ nằm trong khả năng ngân sách nhà nước cân đối được, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương huy động thêm nguồn lực khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua vay ODA, hợp tác công - tư, vốn ngân sách địa phương…

Thủ tướng yêu cầu việc phân bổ vốn trung hạn phải tập trung vào những hạ tầng quan trọng, then chốt, là “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mở đầu cho giai đoạn 5 năm tới như đường ven biển; đường vành đai các trung tâm kinh tế và đô thị lớn; các cao tốc khu vực; hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, khoa học công nghệ. Bên cạnh các dự án phát triển kinh tế thì cũng cần chú trọng các dự án lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có các bệnh viện lớn. Trong phân bổ đầu tư cần cân đối giữa các vùng, miền cho hợp lý.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp và hoàn thiện báo cáo về phương án phân bổ. Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất quan điểm, mục tiêu, định hướng và nguyên tắc phân bổ, trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới; xác định mục tiêu hoàn thiện các công trình trọng điểm trong 5 năm tới, như sân bay Long Thành, đường ven biển…

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lưu ý thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo thường kỳ tháng 3. Ảnh: TTXVN.

Chiều 11/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về báo cáo của Tổ chức Freedom House cho rằng Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước không có quyền tự do, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan”.

Theo Người Phát ngôn, trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người. Một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (năm 2019), các nước đã quan tâm tham gia đông đảo tại các phiên họp liên quan đến Việt Nam; đại đa số ý kiến các nước đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị có tính chất xây dựng.

Chiều 11/3, Việt Nam thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 11/3, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.

4 ca mắc mới ghi nhận là BN2530- BN2533. Cụ thể:

Ca bệnh 2530 (BN2530): Nữ, 56 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ngày 9/3/2021, bệnh nhân từ Thụy Điển quá cảnh Pháp, sau đó nhập cảnh Sân bay Nội Bài, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh).

Ca bệnh 2531 (BN2531): Nữ, 59 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Ca bệnh 2532 (BN2532): Nam, 56 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

BN2531- BN2532 từ Hoa Kỳ quá cảnh Hàn Quốc, sau đó nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3/2021, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bình Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 10/3/2021 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Ca bệnh 2533 (BN2533): Nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngày 7/3/2021, bệnh nhân từ Philippines nhập cảnh Sân bay Cam Ranh, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Ninh Thuận. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 10/3/2021 bệnh nhân dương tính vớI virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 11/3, Việt Nam có tổng cộng 1588 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 895 ca.

Các nhà mạng gấp rút tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money

Các doanh nghiệp viễn thông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money gửi Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến trong quý II/2021, các nhà mạng sẽ triển khai dịch vụ này ra thị trường.

Chú thích ảnh
Người dùng sẽ thuận lợi khi mua hàng giá trị nhỏ bằng Mobile Money.

Đại diện VNPT cho biết, hiện nhà mạng đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Monay. Về quy trình thủ tục, sau khi Thủ tướng chính thức phê duyệt Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), nhà mạng sẽ phải chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để gửi Ngân hàng Nhà nước.

Sau đó Ngân hàng Nhà nước xem xét, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, rồi mới có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm cho nhà mạng. Lúc đó doanh nghiệp viễn thông mới bắt đầu được triển khai dịch vụ.

“Về hồ sơ thí điểm dịch vụ Mobile Money, nhà mạng sẽ lập toàn bộ các phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ,… căn cứ vào các quy định trong văn bản của Thủ tướng; đồng thời đối chiếu vào những quy định, như trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông để đưa các các nội dung phù hợp”, đại diện VNPT cho biết.

Còn đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là điều kiện để nhà mạng tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.

Theo đó, các dịch vụ trung gian thanh toán của MobiFone được Ngân hàng Nhà nước cấp phép bao gồm: địch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử. Hiện MobiFone cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ (gồm phương án kỹ thuật, bảo mật…) để gửi Ngân hàng Nhà nước triển khai dịch vụ Mobil Money.

Trước MobiFone, đã có hai nhà mạng khác là VinaPhone (VNPT) và Viettel được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Việc có giấy phép trung gian thanh toán là điều kiện cần để 3 nhà mạng sớm triển khai dịch vụ Mobile Money.

Còn theo đại diện Tập đoàn Viettel, đơn vị đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel.

Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc ví điện tử của khách hàng;

Người dân được thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money. Bên cạnh đó, các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất. Đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.

Việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, nhất là người dân nông thôn.

Cháy lớn ở TP Thủ Đức, ba căn nhà bị thiêu rụi

Một đám cháy lớn vừa xảy ra ở TP Thủ Đức khiến 3 căn nhà bị thiêu rụi, nhiều người hốt hoảng tháo chạy.

Chú thích ảnh
Khói lửa bùng cháy dữ dội bao trùm 3 căn nhà.

Đến hơn 16 giờ ngày 11/3, lực lượng chức năng TP Thủ Đức vẫn đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy 3 căn nhà trên đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14 giờ cùng ngày, người dân phát hiện ngọn lửa bùng lên từ một căn nhà. Do thời tiết nắng nóng cộng với nền nhiệt cao, nên chỉ vài phút sau, ngọn lửa bất ngờ lan sang hai căn nhà bên cạnh, khiến nhiều người hốt hoảng bỏ chạy.

Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, lực lượng PCCC và CHCN TP Thủ Đức đã điều nhiều xe chữ cháy, cùng hàng chục chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dập lửa.

Tại hiện trường, vụ hoả hoạn khiến toàn bộ 3 căn nhà cùng nhiều tài sản bị thiêu rụi.

XC/Báo Tin tức
Các nhà mạng gấp rút tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money
Các nhà mạng gấp rút tham gia thí điểm dịch vụ Mobile Money

Các doanh nghiệp viễn thông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money gửi Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến trong quý II/2021, các nhà mạng sẽ triển khai dịch vụ này ra thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN