Tín hiệu vui từ làng gốm Quyết Thành

Gốm Quyết Thành thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam được biết đến từ hàng trăm năm trước với các sản phẩm gốm son thủ công vừa đẹp vừa bền, nổi tiếng khắp cả vùng đất Bắc. Ấy vậy mà có một dạo, nghe đâu làng gốm có nguy cơ mai một vì chẳng còn mấy ai làm nghề. Thật may, những người thợ còn lại ở làng vẫn luôn trăn trở giữ nghề, giữ lửa để giờ đây, những tia hy vọng đã bắt đầu được nhìn thấy.

Vốn quý

Làng gốm Quyết Thành trước có tên là Đanh Xá. Theo lời những người cao tuổi trong làng kể lại thì nghề gốm xuất hiện ở Đanh Xá khoảng 500 năm trước. Sản phẩm gốm làng Đanh Xá, nổi tiếng khắp nơi cả về mẫu mã và chất lượng. Thế rồi, chiến tranh nổ ra, thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ, các lò nung gốm nguội lửa dần, nghề gốm dần sa sút. Đến năm 1959, Hợp tác xã gốm Quyết Thành được thành lập. Năm 1989, thị trấn Quế được thành lập, làng hạ được đổi tên là làng Quyết Thành và tách ra thành một thôn của thị trấn Quế, huyện Kim Bảng.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến say mê sáng tác trên sản phẩm gốm thô.


Người thợ gốm Quyết Thành bây giờ vẫn giữ lối sản xuất thủ công, chỉ có một số công đoạn sử dụng máy móc là máy nghiền đất, máy tiện bằng điện, bàn quay được gắn ổ bi và được kéo bằng môtơ. Ông Lại Văn Tiến - nghệ nhân đầu tiên được vinh danh của làng gốm Quyết Thành - cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ cách làm thủ công như trước đây, nghệ nhân tha hồ sáng tác, thể hiện ý tưởng trên sản phẩm”.

Hiện nay, các sản phẩm của làng gốm Quyết Thành gồm gốm dân dụng và gốm mỹ nghệ, chủ yếu là chum, lọ, nậm đựng rượu; các loại cối giã cua; máng sành, vò, vại; vật liệu xây dựng như ống nước, ngói; lọ hoa, con giống bằng gốm… Hàng gốm Quyết Thành chủ yếu có 3 loại: hàng sành là loại gốm được nung ở nhiệt độ cao từ 1.300 độ C trở lên, hàng son là loại gốm có nhiệt độ nung từ 1.200 đến dưới 1.300 độ C (chủ yếu là hàng mỹ nghệ) và hàng đất đỏ có nhiệt độ nung khoảng 700 độ C.

Nguyên liệu làm gốm Quyết Thành khá dồi dào. Dân làng gốm tìm đến các xã lân cận trong huyện để mua đất sét vàng vào tháng 11 âm lịch, lúc lúa vừa gặt xong. Gạt bỏ lớp bùn trên mặt ruộng, đào sâu khoảng nửa mét là thấy đất sét vàng. Lấy xong, người ta lấp lại lớp đất màu xuống để tiếp tục trồng cấy. Thời gian đó năm sau, dưới lớp đất bùn lại đầy ứ đất sét vàng, nguồn nguyên liệu vì thế vô cùng sẵn. Đất mua về cất trong kho dành để làm cả năm. Còn màu son làm nên sản phẩm gốm son đặc trưng ở đây lại được làm từ một loại quặng lấy trong núi. Sau khi tán mịn, hòa với nước và lọc qua nhiều lần sẽ cho một dung dịch có màu đỏ như son. Trước khi đem nung, những người thợ quết một lớp màu son lên mẫu để khi ra lò, các sản phẩm sẽ có màu đỏ tươi.

Ông Tiến tâm sự: “Làng chúng tôi có khá nhiều lợi thế như giao thông thuận tiện cả đường sông và đường bộ, nguyên liệu lại sẵn, làng có thợ tay nghề cao, thế nhưng sản phẩm gốm ở đây lại chưa được nhiều nơi biết đến. Thế nên, sản xuất hiện nay chỉ mang tính cầm chừng, giữ nghề là chính, có đơn đặt hàng mới dám làm. Sáu, bảy năm trước, gốm Quyết Thành còn xuất khẩu sang nhiều nước như Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhưng mấy năm nay chủ yếu là bán cho các đại lý trong tỉnh hoặc làm theo đơn đặt hàng để làm quà tặng. Mẫu mã không phong phú, sản phẩm không nhiều nên chẳng ai dám đầu tư công nghệ.

Những tín hiệu vui

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Quyết Thành, một trong số ít các hộ dân ở đây còn giữ được nghề gốm truyền thống. Ông Phú tâm sự: “Chúng tôi vẫn tranh thủ mọi lúc mọi nơi truyền dạy cho con cháu trong làng. Vài năm gần đây, mỗi năm làng tổ chức 2 lớp dạy làm nghề gốm cho con em trong làng, mỗi lớp được khoảng 20 đến 30 cháu là học sinh các cấp. Nhiều cháu không những biết nghề mà còn làm rất giỏi. Nhưng những lao động nhỏ này cũng chỉ có thể làm những công việc vặt lúc không phải đến trường”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lại Văn Tiến không giấu được sự tiếc nuối khi lực lượng lao động có tay nghề cao của làng đang bị bỏ phí.

Ông tâm sự: “Trước đây, tôi cũng đã từng đến làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội, vừa là để học hỏi kỹ thuật làm gốm truyền thống của họ, vừa xem họ kinh doanh, phát triển nghề như thế nào. Bao ấp ủ, dự định muốn đem về áp dụng ở làng mình mà khó quá”.

Cả làng Quyết Thành có gần 700 khẩu và 212 hộ gia đình thì hiện tại chỉ có khoảng 30 hộ còn làm nghề thường xuyên tại 4 lò, mỗi lò có khoảng 10 đến 15 thợ. Thu nhập bình quân của các lao động làm nghề chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Thợ chính có tay nghề cao là khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp cũng là một lý do khiến thanh niên trong làng không mặn mà với nghề.

Mong ước của ông Tiến, cũng như những người thợ gốm còn lại của làng là được giao lưu, học hỏi với các làng nghề trong tỉnh để có cơ hội kết hợp các sản phẩm làng nghề thủ công với nhau như rượu với gốm và mây tre đan hoặc gốm với sừng… Sự phối hợp, giao lưu sản phẩm giữa các làng nghề sẽ giúp cho các làng nghề tạo được thương hiệu, từ đó tạo việc làm và thu nhập để khuyến khích các thợ nghề gắn bó, phát triển nghề.

Tháng 9 vừa qua, UBND huyện Kim Bảng đã bắt đầu triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành với kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng thực hiện đến hết năm 2015. Bên cạnh mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động làng nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đề án này còn chú trọng đến mục tiêu đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, thiết bị máy móc, công nghệ, xây dựng dây chuyền sản xuất, vùng nguyên liệu ổn định tại 3 xã Thụy Lôi, Đồng Hóa và Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng).
Ông Vũ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong tỉnh, huyện quyết tâm tìm mọi biện pháp duy trì và phát triển hoạt động của làng gốm Quyết Thành theo nội dung Đề án “Bảo tồn và phát triển sản phẩm nổi tiếng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015” đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt.

Bài và ảnh: Trần Nhật Anh

Trăn trở làng gốm Thanh Hà
Trăn trở làng gốm Thanh Hà

Sự thịnh vượng, đông đúc của làng gốm trước kia, giờ chỉ là dĩ vãng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN