Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Tôi sẽ chất vấn về lỗ hổng trong cơ chế chính sách
Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều thành tựu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, những vụ việc vừa qua cho thấy, những ca tai biến đã gia tăng, trong đó có nhiều ca mức độ sai sót khá nghiêm trọng.
Bệnh viện đa khoa huyện miền núi Quế Phong được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Dương Ngọc - TTXVN |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Vấn đề y đức, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sức ép của xã hội. Theo tôi, nguyên nhân chính là quy trình, thủ tục cấp phép và thanh, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân còn lỏng lẻo. Do đó, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế (trên hội trường hoặc bằng văn bản) về lỗ hổng trong cơ chế chính sách.
Việc xảy ra nhiều ca tai biến y tế như tiêm phòng, cắt nhầm thận… cũng đang được lý giải từ nguyên nhân về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng bệnh viện… Tôi cho rằng, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất trong ngành y dù được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tuyến xã, huyện, thậm chí cả cấp tỉnh. Lực lượng cán bộ tuyến cơ sở hiện còn bất cập. Đơn cử như tại Bệnh viện Mai Châu (Hòa Bình), 20 năm nay chưa tuyển được bác sĩ chính quy nào, dù đã có nhiều chính sách thu hút. Hay việc một số cơ sở bệnh viện tuyến dưới được đầu tư máy móc hiện đại để chẩn đoán bệnh nhưng không có người biết sử dụng.
Do đó, để hạn chế tai biến y tế, ngành y tế cần có biện pháp tổng thể, từ đãi ngộ, điều kiện làm việc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người dân đến khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến xã, huyện (đã được đầu tư), để vừa tiết kiệm, vừa giảm tải cho tuyến trên; từ đó, sẽ tránh được tai biến y tế.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Quan tâm đến y tế dự phòng
Các vụ tai biến xảy ra vừa qua là sự tích tụ của cả quá trình, chứ không phải là bột phát. Đó là những tồn tại trong viêc rèn luyện đạo đức cá nhân và hệ quả của việc quản lý bất cập trong nhiều năm nay: Quản lý chưa chặt, chưa kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
Để giảm tai biến y tế, theo tôi, trước tiên cần quan tâm đến y tế dự phòng, đầu tư thêm nguồn lực về cơ sở, cả về vật chất và con người. Nếu nhân lực chưa đủ thì cần có cơ chế tận dụng những bác sĩ đã nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đãi ngộ để thu hút cán bộ y tế có trình độ về công tác tại tuyến y tế cơ sở; tuyến dưới làm tốt thì ắt sẽ giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên. Sỡ dĩ bệnh nhân đang đổ dồn lên tuyến trên là vì họ không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến cơ chế, chính sách về nhân lực, vì tâm lý sinh viên ngành y khi ra trường đều muốn về công tác ở cơ sở y tế được đầu tư mạnh về trang thiết bị (thường là tuyến trên). Đây là nguyện vọng chính đáng, bởi thực tế khi về công tác tại các cơ sở y tế tuyến dưới, họ không có cơ hội rèn luyện với các chuyên gia đầu ngành để có thể tiến xa hơn về trình độ chuyên môn. Do đó, nên bắt đầu từ chính sách vĩ mô, nhất là chính sách đưa người tài về tuyến y tế cơ sở kèm theo đó là cơ chế hỗ trợ về lương và môi trường làm việc.
PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai:“Người đứng đầu cơ sở y tế giữ vai trò rất quan trọng”
Để hạn chế sai sót trong khám chữa bệnh, vai trò của người đứng đầu cơ sở y tế rất quan trọng. Nếu người quản lý quan tâm, triển khai giám sát việc thực hiện đúng quy trình chuyên môn, kịp thời uốn nắn sai phạm thì chắc chắn sẽ hạn chế được những sai sót nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, khó có thể triển khai hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện ngay việc báo cáo, rút kinh nghiệm ca sai sót cho toàn hệ thống, như các nước tiên tiến, vì đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Tuy vậy, vẫn cần phải có chiến lược xây dựng hệ thống mạng truyền dẫn để kết nối thông tin, rút kinh nghiệm chuyên môn giữa các khoa phòng trong bệnh viện và giữa các cơ sở y tế trong hệ thống. Trước mắt, các cơ sở y tế cần tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học để cùng phân tích những ca bệnh hay cũng như những ca điều trị không thành công để rút kinh nghiệm sai sót cho nhiều cán bộ y tế. Như vậy, lỗi của một người sẽ được đưa ra để nhiều người cùng rút kinh nghiệm. Hiện nay, hoạt động này chỉ được thực hiện chủ yếu ở những bệnh viện tuyến Trung ương.
Bên cạnh đó, theo tôi, ngành y tế nói chung và cán bộ y tế nói riêng cần chú trọng và khuyến khích cán bộ, nhân viên mua bảo hiểm nghề nghiệp. Bởi dù ở quốc gia nào thì sai sót trong y khoa vẫn xảy ra (do lỗi chủ quan và khách quan). Khi xảy ra sai sót do lỗi khách quan, cơ quan bảo hiểm sẽ là nơi đứng ra giải quyết mọi vấn đề về tài chính liên quan với gia đình bệnh nhân. Như vậy, giữa cán bộ y tế và gia đình người bệnh sẽ tránh được sự va chạm, phản ứng mạnh. Tất nhiên, về mặt pháp lý, người bác sĩ đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu vi phạm nghiêm trọng về chuyên môn.
Xuân Cường - Phương Liên