Tìm giải pháp thích ứng với già hóa dân số

Người cao tuổi cần được tạo việc làm phù hợp đảm bảo thu nhập, chăm lo sức khỏe và các chính sách an sinh xã hội để có một tuổi già khỏe mạnh, có chất lượng cuộc sống cao.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Trên đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TP Hồ Chí Minh” do Sở Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, hiện TP Hồ Chí Minh đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam. Quá trình già hóa dân số cũng mở ra những cơ hội như phát triển các ngành dịch vụ, sản phẩm phục vụ người cao tuổi và nếu biết tận dụng, người cao tuổi trở thành nguồn lực xã hội quan trọng, phát huy được kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong phát triển cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh cho hay, dù Thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số sau cả nước 7 năm (từ năm 2017) nhưng hiện số người cao tuổi đang có tốc độ tăng rất nhanh. Già hóa dân số cũng làm cho cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của Thành phố trong tương lai không xa.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định về tiềm năng của người cao tuổi trong việc đóng góp vào nền “kinh tế bạc” và phát triển các ngành dịch vụ mới, dựa trên những bài học thành công từ các quốc gia khác như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Đối diện với thiếu hụt lao động trẻ, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng tri thức và kinh nghiệm của người cao tuổi như một nguồn lực quan trọng để bù đắp cho lực lượng lao động.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần có các chính sách thiết thực hơn trong chăm sóc sức khỏe, an sinh của người cao tuổi; trong đó cần xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc dài hạn bao gồm chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội và hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho người cao tuổi. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác công - tư trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi sẽ tận dụng được nguồn lực và chuyên môn từ cả hai phía.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, trước hết cần phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi để có thể tiếp tục sống và sống có ích. Người cao tuổi cần việc làm để có thu nhập, do đó, cần hình thành thị trường việc làm cho người cao tuổi.

Các tham luận khác tại Hội thảo cũng chỉ ra, ở góc độ kinh tế, cần phát triển dịch vụ và ngành nghề mới phù hợp với người cao tuổi; đề xuất mô hình doanh nghiệp khai thác nền "kinh tế bạc" như: phát triển dịch vụ, tài chính và du lịch cho người cao tuổi. Điểm chung của các tham luận đều cho rằng chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi phải mang tính bao trùm, trong đó các chính sách về Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng về đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thành phố cũng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các quốc gia phát triển để tạo nền tảng khung pháp lý trong thực thi chế độ chăm lo sức khỏe, thu nhập, an sinh… cho người cao tuổi.

Đinh Hằng (TTXVN)
Mức sinh giảm, già hóa dân số nhanh đang là thách thức rất lớn
Mức sinh giảm, già hóa dân số nhanh đang là thách thức rất lớn

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN