Đứng trước nhiều sự lựa chọn, thí sinh cần có những hiểu biết và quan điểm cá nhân để chọn được trường, chọn được nghề sao cho phù hợp với bản thân mình. Trong những năm gần đây, nước ta, ngày càng có nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập. Điều đó đồng nghĩa với việc, học sinh lớp 12 có thêm nhiều cơ hội để bước chân vào một trường đại học. Song vấn đề đặt ra là liệu có phải tất cả các thí sinh đều chọn được trường như mình mong muốn, từ đó chọn được nghề mà mình mong ước hay không.
Gian tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của Trường Đại học FPT thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Vào trước mỗi mùa thi, các nhà trường đều tiến hành tư vấn chọn trường, tư vấn nghề cho học sinh cuối cấp. Song trên thực tế, trước nhiều cơ hội, trước xu thế chọn những ngành “hót”, trường “hót” như hiện nay, một bộ phận học sinh dù chưa biết rõ về nghề mình sẽ chọn, trường mình sẽ chọn nhưng cứ thấy ngành nào có nhiều thí sinh đăng kí thì cũng đăng kí theo.
Điều đó dẫn đến tình trạng, nhiều em học sinh chọn nghề, chọn trường không phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Nhiều trường, số lượng thí sinh đăng kí vào quá đông, có trường lại vắng vẻ. Trao đổi với chúng tôi, một học sinh lớp 12 cho biết: “Em rất thích nghề kinh doanh nhưng thấy nghề công an khi học thì gia đình không phải nuôi, ra trường lại có việc làm ngay nên đăng kí vào trường an ninh”.
Quan niệm đã lập nghiệp là phải học đại học, mà học đại học mới oai. Đó là suy nghĩ của nhiều học sinh hiện nay khi chọn trường thi. Các em cho rằng, nếu không vào được các trường điểm thì cũng “mon men” khu vực các trường dân lập, tư thục, miễn là đại học. Còn học cao đẳng, trung cấp bây giờ là lỗi thời. Đó là một quan niệm sai lầm trong chọn trường của thí sinh, càng sai lầm hơn khi học sinh đó có học lực trung bình, học lực yếu nhưng muốn với cao hơn khả năng của mình. Cùng với quan niệm trên là suy nghĩ một số trường như y, dược, bách khoa, cảnh sát, an ninh… khi ra trường có thể xin việc một cách dễ dàng. Những trường khác ra không khéo sẽ thất nghiệp. Chính vì vậy, xu thế “nhất y, nhì dược…” lại trở lại trong giai đoạn hiện nay.
Qua thực tế nhiều năm làm công tác hướng nghiệp, tư vấn chọn nghề, chọn trường cho học sinh cuối cấp, chúng tôi xin đưa ra một số tiêu chí sau đây để giúp thí sinh có những sự lựa chọn sáng suốt trước ngưỡng cửa của cuộc đời mình.
Thứ nhất là trình độ bản thân. Đây là tiêu chí số một. Muốn chọn trường nào, nghề nào thì học sinh phải xem lực học của mình ra sao, là giỏi, khá hay trung bình, yếu. Có thể vẫn là nghề đào tạo mà học sinh yêu thích nhưng em lại học trung bình thì không thể đỗ vào trường có điểm chuẩn là 8 điểm/môn, học sinh có thể chọn trường khác vẫn ngành ấy có điểm số đầu vào thấp hơn thì kết quả có thể khả thi hơn. Còn nếu học sinh có lực học yếu, các em có thể được tư vấn và thi vào các trường trung học chuyên nghiệp để rồi cũng ngay tại trường đó, các em có thể được đào tạo liên thông trong kế hoạch đào tạo của nhà trường.
Thứ hai là khả năng của bản thân. Mỗi học sinh cần xác định khả năng mình có thể làm được việc này, nghề này trong tương lai hay không. Ví dụ để thi vào các trường cần năng khiếu như múa, hội họa, hát… thì học sinh cần phải có những khả năng đặc biệt nhất định mặc dù những khả năng này mới chỉ là tiềm ẩn, chưa được khai thác. Hoặc những nghề như phi công, hàng hải, hàng không, khai mỏ… cần những người năng động, thích nghi với mọi hoàn cảnh và môi trường làm việc.
Thứ ba là tính cách cá nhân. Đây là tiêu chí tưởng như không có gì quan trọng và không quyết định nhiều nhưng lại là yếu tố giúp thí sinh làm căn cứ để chọn nghề, chọn trường. Mỗi người có một tính cách khác nhau và mỗi tính cách ấy sẽ giúp bạn chọn được một nghề phù hợp. Ví dụ như nghề y đòi hỏi sự kiên nhẫn, luôn bình tĩnh trước mọi tình huống xảy ra để đảm bảo cho công việc được thông suốt.
Thứ tư là sức khỏe. Căn cứ vào sức khỏe, thể lực của mình để chọn nghề cho cả đời mình là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Một học sinh có cân nặng không quá 40 kg, chiều cao khiêm tốn, không thể đăng kí vào các trường cảnh sát, an ninh. Một học sinh gầy gò, hay ốm, thấp bé khó lòng có thể chọn nghề giáo viên thể dục trong tương lai. Học sinh căn cứ vào sức khỏe có thể biết với sức khỏe như hiện tại sẽ làm được công việc gì.
Thứ năm là “túi tiền” hay nói cách khác là khả năng kinh tế của gia đình. Tiêu chí này thí sinh cũng cần căn cứ khi lựa chọn nghề nghiệp đào tạo và việc làm trong tương lai. Mỗi học sinh sẽ có một hoàn cảnh gia đình khác nhau và tất nhiên sẽ có khả năng kinh tế khác nhau. Các em sẽ căn cứ vào tiềm lực kinh tế của gia đình, thu nhập của cha mẹ để chọn một trường đào tạo không vượt quá khả năng chi trả và khi ra trường có thể xin việc thuận lợi.
Có thể có rất nhiều tiêu chí khác để học sinh căn cứ trong quá trình chọn trường, chọn nghề phù hợp. Nhưng có thể thấy, việc xác định những tiêu chí liên quan đến bản thân mình từ khả năng đến sức khỏe, nguyện vọng và lòng yêu nghề sẽ giúp các em có được một nghề thật bền vững trong tương lai.
Nguyễn Thế Lượng