Tiếp tục tạo cơ chế gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp

Xác định gắn kết giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp là định hướng quan trọng, mang tính đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay việc liên kết vẫn chưa chặt chẽ.

Chú thích ảnh
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, liên kết với doanh nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2019 với chủ đề "Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế".

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

“Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” được tổ chức nhằm góp ý kiến để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho biết.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, từ năm 2016, nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai như khuyến khích các cơ sở GDNN và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các trường và doanh nghiệp, việc liên kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp còn nặng tính hình thức, việc doanh nghiệp mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn ít do thiếu cơ chế chính sách ưu đãi…

Để góp phần phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, nhiều đại biểu cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; sớm đề xuất chính sách, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế, giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh phân luồng, tạo ra sự cân đối tương đối hợp lý cung- cầu trong đào tạo các trình độ và nhu cầu sử dụng theo vùng và chiến lược phát triển kinh tế; sớm ban hành nghị định tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện chính sách cho nhà giáo theo hướng tạo động lực, nâng cao năng lực về chuyên môn, sư phạm; đổi mới công tác giám sát, thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Ủy ban sẽ tập hợp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện về mặt chính sách trong lĩnh vực nghề nghiệp; trong đó có việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 

XC/Báo Tin tức
Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm trong thời đại công nghiệp 4.0
Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm trong thời đại công nghiệp 4.0

Để bảo vệ thương hiệu và tạo thuận lợi khi mua sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống của đồng bào Chăm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dán “tem điện tử thông minh” lên các dòng sản phẩm thổ cẩm giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN