Tiếp sức cho làng nghề Triệu Xá phát triển

Từ lâu, các loại rổ, rá, thúng, mủng… làm từ tre, nứa đã trở thành vật dụng gần gũi, rất đỗi quen thuộc với người dân đất Việt. Cái nghề được coi là phụ lúc nông nhàn này đã giúp người dân Triệu Xá (Triệu Đề, Lập Thạch, Vĩnh Phúc), thoát cảnh thiếu đói, ăn đong trong những ngày giáp hạt. Song giờ đây, người làm nghề này đang trăn trở làm sao giữ, phát triển nghề và tìm hướng đi cho sản phẩm truyền thống.

 

Nghề xóa đói giảm nghèo


Triệu Xá nằm cách trung tâm huyện Lập Thạch chừng 10 km, bên hữu sông Phó Đáy hiền hòa, núp dưới bóng tre xanh. Đến Triệu Xá vào tháng này, đến nhà nào cũng gặp cảnh chất đầy tre nguyên cây, tre pha thành đoạn, thành nan, sản phẩm thành chiếc hay dở dang… Hỏi ra mới biết, sắp đến mùa vụ nên người ta đặt hàng nhiều. Hàng đan lát của Triệu Xá ngày nay không chỉ bán trong thị trường nội địa mà còn đem xuất khẩu.


Ngày xưa, nhà nào ở Triệu Xá cũng đan để bán kiếm tiền mua mắm, muối hoặc để làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Nghề đan lát của người dân Triệu Xá ra đời từ đó. Tranh thủ lúc nông nhàn, người Triệu Xá từ già đến trẻ nhỏ đan lát để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống hàng ngày. Cả làng nghề có 1.560 hộ với 4.000 nhân khẩu thì có tới 850 hộ làm nghề.


 

Nghề đan lát xã Triệu Đề (Lập Thạch) tạo việc làm cho bà con nông dân những lúc nông nhàn. Ảnh: Khổng Quý

 

Chúng tôi tìm đến gia đình cụ Lưu Đình Cung, 73 tuổi, nổi tiếng là thợ lâu năm có tay nghề trong làng. Vào mùa này gia đình cụ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, cả gia đình phải tham gia mới có thể xuất hàng đúng ngày. Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng đôi bàn tay cụ vẫn thoăn thoắt, vừa chẻ nan đan, cụ vừa trò chuyện: “Ở đây, mọi người đều làm được cả, từ đứa trẻ lên 8 lên 9 tuổi đã biết đan rồi”.


Theo cụ Cung, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Mỗi chiếc rá, rổ được hoàn chỉnh cũng phải qua trên dưới chục công đoạn như pha tre, tề nan, chẻ nan, vót nan, đan, giát, mết, cạp... tất cả được làm thủ công. Một điều đặc biệt ở đây là mỗi hộ chỉ làm chuyên một mặt hàng. Hộ chuyên thúng, hộ chuyên rổ, rá... Vì chuyên sâu như vậy mà sản phẩm làm ra rất đẹp, chắc chắn, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, tin cậy.


Người làm nghề ở đây cho biết, nguồn nguyên liệu bây giờ rất khan hiếm, tre nứa trong vùng không đủ để làm, người đan lát phải nhập tre từ những nơi khác về như Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang… với giá cao nên một chiếc rổ, rá được làm ra cũng có giá cao hơn so với trước đây. Mỗi thợ thủ công trung bình một ngày có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc thúng hoặc mủng hay các loại rá, rổ và các vật dụng khác. Mỗi chiếc được bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng. Đối với người thạo việc, làm đều liên tục có thể hơn. Thu nhập bình quân khoảng từ 400.000 đến 500.000 đồng/người/tháng.


Trước kia sản phẩm làm ra chủ yếu được bán ở các chợ trong tỉnh, giờ đây nó còn được tiêu thụ ở một số tỉnh lân cận như: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang... thậm chí được xuất sang cả Lào, Campuchia.

 

Giữ nghề bằng mọi cách


Cụ Phạm Văn Cương, đến nay đã có 60 năm làm nghề đan lát, chia sẻ: “Nghề này là do ông bà truyền lại, bây giờ ruộng đất cũng không nhiều, chúng tôi phải bám nó mà sống. Làm để có thu nhập, mà cũng để giữ nghề không bị mai một”.


Cùng với sự phát triển mạnh của xã hội, các khu công nghiệp phát triển là lúc làng nghề đi xuống. Các sản phẩm từ nhựa ngày càng phổ biến, mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi hơn, khiến cho nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống. Đặc biệt là khi những chiếc giá đựng bằng tre không được trọng dụng, nghề đan lát nơi đây bắt đầu mai một. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc hình thành và phát triển mạnh thu hút lao động thanh niên trong vùng đi làm công nhân vì thu nhập trong các công ty, xí nghiệp cao hơn nhiều so với làng nghề. Từ một làng nghề sôi động, nghề đan lát tre, trúc bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ. Hiện nay, rất ít thanh niên trong làng còn làm nghề này. Nghề đan lát chỉ còn là công việc của người già và trẻ con, những người không làm được các việc nặng nhọc khác.


Khi được hỏi về việc gìn giữ và phát triển nghề đan lát ở Triệu Xá, giới trẻ ở đây cho biết họ vẫn lạc quan và hy vọng nghề này trong tương lai. Mong muốn của giới trẻ là tỉnh Vĩnh Phúc có những cơ chế chính sách để "tiếp sức" cho người dân bằng cách tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho người dân làng nghề; tổ chức tham quan học hỏi để người dân có thêm kinh nghiệm. Qua đây, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và quan tâm đến mặt hàng quà tặng, lưu niệm mà thị trường đang ưa chuộng. Với những cơ chế, chính sách mới nêu trên, tin rằng sẽ đưa làng nghề đan lát Triệu Xá đứng vững và phát triển.


Nguyễn Thị Thảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN