“Tiếp lửa” trên tuyến đường 559 huyền thoại

Ngày 19/5/1959, Thường trực Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với khẩu hiệu: "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn bằng thồ gùi đã được chiến sĩ Đoàn 559 đưa tới Tà Riệp - Bắc A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5 và toàn miền Nam, đánh dấu những bước tiến đầu tiên trên con đường huyết mạch 559.

Ký ức của nữ Thanh niên xung phong

Về huyện Thái Thụy (Thái Bình) trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được cô Tạ Thị Hạnh sinh năm 1955, ở khu 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy - một nữ chiến sĩ mở đường 559 năm xưa kể lại không khí hào hùng của những tháng năm đi mở đường, công tác trên “tuyến lửa” đường 559. Đang là công nhân của Tổ chế biến hải sản hợp tác xã Hải Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tháng 8/1973, cô Hạnh nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện, tháng 10/1973, cô được lệnh vào chiến trường B, Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559 nhận nhiệm vụ tham gia mở đường Trường Sơn dọc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.


Hàng ngày cô và nhiều đồng đội khác có nhiệm vụ phát quang cây cối, mở đường để đưa quân lương vào miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Công việc mở đường vất vả, cộng với điều kiện khí hậu miền Trung khắc nghiệt càng khiến công việc khó khăn hơn, đòi hỏi cô và đồng đội luôn phải cố gắng hết mình. Cô cho biết: Khi mở đường, những cây gai làm quần áo cô và đồng đội rách tơi tả. Cái mưa, nắng thất thường của miền Trung, cái lạnh cắt da thịt của những đêm mưa rừng khiến nhiều đồng đội không tránh khỏi những cơn sốt rét đeo bám dai dẳng. Có những đêm ngủ trên võng, sáng dậy đỉa, vắt đã bu kín chân tay...

Tháng 6/1974, cô Hạnh nhận lệnh chuyển sang Tiểu đoàn 674. Tại đơn vị mới, giai đoạn đầu cô nhận nhiệm vụ làm đường nhưng sang năm 1975 cô chuyển sang công việc mới là cùng đồng đội xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, quy tập hài cốt liệt sĩ phân theo khu vực địa lí để an táng. Thời gian đầu cả đơn vị của cô phải bạt rừng cây, san từng quả đồi để làm mặt bằng nghĩa trang. Sau đó, những chiến sĩ nam luồn rừng tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Còn những chiến sĩ nữ tiếp nhận hài cốt, lau rửa và chôn cất các liệt sĩ. Cô Hạnh nói, đợt cao điểm, có ngày đơn vị cô tiếp nhận tới 900 bộ hài cốt liệt sĩ do đồng đội đưa về sau 1 tuần tìm kiếm. Nghĩa trang lúc đó mới xây dựng, việc di chuyển hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Mỗi khi vấp phải rễ cây hoặc hòn đá to, những chiếc tiểu bị va đập, cô và đồng đội lại xót xa như chính da thịt mình bị dao cứa... Trong thời gian làm ở đây, cô và đồng đội đã quy tập và bàn giao cho tỉnh Quảng Trị hơn 10.000 ngôi mộ.

Tháng 4/1977, cô Hạnh ra quân, trở về quê hương với quyết định bệnh binh 41%. Cô được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì, Huy chương chiến sĩ giải phóng...

Tiếp lửa cho chiến trường miền Nam

Theo ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình: Sau khi được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Đảng, Nhà nước Lào chấp thuận, cuối tháng 12/1961, tuyến đường mới được mở nối Đường 12 và thông tới đường số 9 ở Mường Phìn tỉnh Savanakhet (Lào). Đây là bước phát triển quan trọng của tuyến đường chiến lược 559, bởi từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn đã mở tuyến đường Tây Trường Sơn, tạo ra bước đột phá về phương thức chi viện chiến trường của đoàn 559. Sau hơn 18 tháng làm nhiệm vụ, Đoàn 559 đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu, chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên. Hơn hai ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hành quân trên tuyến đường 559 an toàn... Cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 đã viết nên những dòng đầu tiên của bản trường ca hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ảnh tư liệu


Bước sang năm 1961, từ 500 chiến sĩ đầu tiên, Đoàn 559 đã trở thành một đơn vị tương đương cấp sư đoàn (trên 10.000 người). Tháng 4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559, tương đương cấp Quân khu. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn. Từ năm 1973 đến 1975, Bộ Tư lệnh 559 đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng, 21 trung đoàn trực thuộc với quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. 16 năm (từ năm 1959 đến năm 1975) chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã làm nên một hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000 km đường xe cơ giới.

Lực lượng vận tải Trường Sơn với 2 sư đoàn ô tô cơ động đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Lực lượng bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống trên 17.700 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở nam Lào, tây Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Tây Nguyên, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện. Lực lượng phòng không Trường Sơn gồm 1 sư đoàn và 9 trung đoàn đã bắn rơi trên 2.450 máy bay các loại. Lực lượng giao liên Trường Sơn đã mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào, ra chiến trường an toàn. Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở 1.400 km đường ống xăng dầu - “một dòng sông mang lửa” xuyên dọc Tây và Đông Trường Sơn vào thẳng chiến trường Nam Bộ...

Ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình cho biết: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo của Đảng và Quân đội ta. Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gian khổ, ác liệt, song lại đầy vinh quang và tự hào, luôn in sâu trong ký ức, con tim mỗi cựu chiến binh Trường Sơn.

Nguyễn Lành - Khánh An

Giải phóng tỉnh Bình Tuy, bao vây Sài Gòn
Giải phóng tỉnh Bình Tuy, bao vây Sài Gòn

Ngày 24/4/1975: Ta bao vây Sài Gòn trên tất cả các hướng. Các công ty hàng không quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN