Tiếng rao sáng mùng một Tết

Cách đây gần 2 năm, lần đầu tiên, tôi được ăn một cái Tết giữa Sài Gòn. Thành phố những ngày cuối năm, khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến, người thưa thớt hẳn đi. Những dòng người vội vã đổ ra ngoại thành để về quê sum họp cùng gia đình. Còn lại giữa khoảng trống mênh mông, tôi cứ bị xoáy vào những câu nói của người thân và bạn bè, rằng sao Tết người ta tìm đường về quê, về với ông bà cha mẹ còn tôi lại muốn tha hương... Lòng tự dưng đã thấy ngùi ngùi...


Sáng mùng Một, tôi dậy rất sớm. Nói đúng ra là cả đêm không ngủ được. Ngôi nhà lạ một phần, một phần lòng tôi cảm thấy nôn nao rất khó tả. Rồi, khi ánh nắng đầu tiên của một năm mới chưa chạm vào con hẻm nơi tôi đang tá túc thì một tiếng rao văng vẳng vang lên. Tiếng rao đặc sệt giọng Quảng Nam: "Ai...Bánh mỳ...Bánh bao...hông...".


Tôi đang ngồi trên căn gác nhỏ, chợt bật người đứng dậy, nhoài tay mở cửa sổ. Qua những song cửa hẹp, lại phải lách tầm mắt qua những dây diện bám chằng chịt lấy nhau. Cái lạnh ngoài đường cùng những mùi vị phố phường tràn vào căn gác. Dưới kia, một người phụ nữ chừng gần 30 tuổi, một tay bưng thúng, một tay xách giỏ, đi lững thững trong con hẻm, cất giọng mời khách mua. Trên đầu chị, cái nón lá đã cũ, đổi màu sang xám tro theo tháng ngày chứ không còn trắng nữa. Bộ quần áo chị mặc tuy không nhàu nát, chắp vá nhưng so với ngày Tết ở đây thì dường như là "giản dị" quá. Nhưng chị hết đi ra rồi lại đi vào, cả con hẻm cũng không ai lên tiếng. Lúc ấy chừng độ hơn 5 giờ rưỡi sáng mà thôi.


Nhìn chị đồng hương thất thểu đi trong con hẻm mà lòng thấy thương hơn những người dân lao động quê mình. Biết rằng giờ đó, chả mấy người ở thành phố này đã dậy, đã ra đường, huống gì bảo họ mua một chút đồ ăn nhẹ như bánh mỳ, bánh bao. Người chủ nhà tôi tá túc sau đó bảo rằng dân ở đây thanh niên thì đi chơi Giao thừa về, ít nhất sáng mùng một Tết phải 8 giờ mới dậy. Người trung niên và người già thì càng không muốn ra đường sớm.


Vậy người phụ nữ kia trông đợi điều chi? Phải chăng, chị cũng đang mong mỏi về quê nhà, tranh thủ bán sớm, hết sớm, kiếm thêm ít tiền để về quê thăm chồng, thăm con, thăm cha, thăm mẹ. Rất nhiều người Quảng ở Sài Gòn cuối năm thường kẹt lại vì không đủ tiền xe về. Mưu sinh cả một năm trời mà đồng tiền dành dụm vẫn không đủ để mang thân mình trở về quê hương. Và họ đành ở lại, hẹn Tết năm sau, hoặc kiếm việc làm thêm ngày Tết để rồi sau 3 ngày Tết sẽ về, lúc giá xe, giá tàu về miền Trung đã rẻ hơn rất nhiều...


Cũng có thể chị có một gia đình nho nhỏ ở thành phố này, trong một phòng trọ tồi tàn nào đó ở một khu ổ chuột dành cho người làm thuê, thu nhập thấp. Và, ngày đầu năm, giữa giấc ngủ còn say của phố phường, cả hai vợ chồng chia nhau ra mưu sinh để kiếm sống. Thường ngày đầu năm bán được giá hơn, bởi ít ai mở miệng trả giá nhiều, cho dù món ăn, món hàng có đắt hơn chút ít. Tôi nghĩ đến cảnh hai vợ chồng lang thang qua từng con hẻm Sài Gòn, bán từng ổ bánh mỳ, từng cái bánh bao. Tội hơn, nơi căn phòng trọ, có thêm một đứa con nhỏ đang chờ ba mẹ về. Tết của họ là sự chia rời nhau ngay trên mảnh đất mà họ đang cư ngụ...


Ngay lúc đó, lòng tôi lại miên man nhớ về quê nhà, về ba mẹ, về những người dân quê tôi, về những cái Tết chỉ có nửa ngày mùng một mà thôi. Tôi vẫn tưởng mẹ ba mình đã khổ nhất, Tết chỉ có chưa đến nửa ngày ngơi nghỉ. Nhưng chị bán bánh dạo giữa Sài Gòn đã làm tôi nhận ra nhiều phận người còn khổ hơn. Có lẽ chị và những người như chị chưa hề biết đến giây phút gọi là Tết hay một khái niệm tương tự như thế. Lúc mọi người đang sum vầy bên nhau, đi chúc tụng nhau mừng mùa xuân mới thì họ vẫn lận đận để có thêm ít đồng trang trải cho cuộc sống của mình... Lúc ấy, tôi cũng muốn chạy ngay xuống, mua giúp một cái gì đó để đỡ chị một ít. Nhưng ở dưới nhà, gia đình mà tôi tá túc vẫn chưa ai ngủ dậy. Mình là khách, chẳng lẽ không nể nang gia chủ thì thấy cũng kỳ kỳ. Thôi đành đứng trên căn gác, mở cửa sổ ra mà nhìn vậy!


Bên ngoài, trời đã sáng dần. Những hoạt động thường ngày lại diễn ra, dẫu không đầy đủ. Người và xe cộ đã tràn ra con hẻm. Những bộ quần áo nhiều màu sắc, sang trọng trộn vào nhau, nối đuôi nhau diễu ra đường lớn. Tiếng xe cộ lớn dần. Tôi lắng tai thật lâu vẫn không thể nghe thấy tiếng rao của chị đồng hương đâu nữa. Chắc là chị đã đi khá xa rồi...



Nguyễn Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN