Tiến tới trả toàn bộ lương hưu qua ATM

Việc trả lương hưu đầy đủ, kịp thời bằng tiền mặt và ATM, tiến tới trả toàn bộ qua ATM, vừa bảo đảm nhanh chóng vừa bảo đảm phương thức quản lý không dùng tiền mặt.

Chú thích ảnh
Cải cách thủ tục hành chính BHXH mang tính đột phá

Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại buổi tọa đàm “Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)" do BHXH Việt Nam và báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều ngày 25/8.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; có 100,16 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn Ngành là 173.082 tỷ đồng, đạt 58,79% kế hoạch cả năm.

Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, điều quan trọng nhất khi thực hiện chính sách BHXH là phải bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho người lao động, từ trong quá trình lao động đến khi về hưu. Việc trả lương hưu đầy đủ, kịp thời bằng tiền và ATM, tiến tới trả toàn bộ qua ATM vừa bảo đảm nhanh chóng vừa bảo đảm phương thức quản lý không dùng tiền mặt.

Hệ thống BHXH đã cải cách thủ tục hành chính, 5 năm qua từ 263 bộ thủ tục còn 28 bộ thủ tục, giảm 90%. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Việc làm này sẽ khiến những rắc rối, phiền nhiễu trước đây sẽ được xóa bỏ.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Trong hệ thống chính sách hiện nay của chúng ta có hai loại hình là BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc, thách thức chính là sự chênh nhau về chính sách được hưởng của BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc. BHXH bắt buộc có 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, nhưng BHXH tự nguyện chỉ có hai chính sách là hưu trí và tử tuất. Tuy chúng ta đóng thế nào hưởng thế đấy nhưng người dân không hiểu hết được. Đây là thách thức chúng ta cần tìm cách tháo gỡ. Có như vậy mới thu hút người dân tham gia trong thời gian tới.

Định hướng về những chính sách trong thời gian tới, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Hiện nay chính sách BHXH chỉ mới bao phủ 26% lực lượng lao động, đồng nghĩa với việc hơn 70% lực lượng lao động sẽ rất khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều chính sách tiến bộ nhưng thực sự chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa phù hợp với nhu cầu, chưa đủ mạnh, chưa linh hoạt và chưa có tính kết nối, tính hấp dẫn để đối tượng tham gia. Ví dụ, BHXH tự nguyện hiện nay mức hỗ trợ rất thấp, hỗ trợ đối với người nghèo là 30%, với hộ cận nghèo 25%, đối tượng khác 10%, tất cả hỗ trợ này không phải hỗ trợ trên mức đóng mà là mức của người nghèo.

Hàng năm, có 600.000 người rời khỏi hệ thống để nhận BHXH một lần. Như vậy, sự gia tăng nguồn quỹ hưu trí hằng năm gần như không đáng kể và cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa và giảm thời gian đóng BHXH để thu hút người tham gia. “Có những vấn đề của chính quyền địa phương nhưng cũng có vấn đề ngay ở cơ quan tổ chức thực hiện chúng tôi thấy rằng cần cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa hơn nữa chúng tôi khi ứng dụng công nghệ rất nhiều khâu, quá trình, hồ sơ, thủ tục có thể đơn giản để phục vụ tốt hơn người tham gia BH”, ông Đào Việt Ánh cho biết.

XC/Báo Tin tức
Sẽ sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp kém hiệu quả
Sẽ sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp kém hiệu quả

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN