Tiên phong nơi 'pháo đài' chống COVID-19 - Bài 1: Cùng 'xắn tay' hành động

Cùng với rất nhiều "binh chủng" tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, có lẽ đội ngũ cán bộ cơ sở là một trong những "binh chủng" quan trọng, luôn thường trực ở tuyến đầu, trấn ngữ phòng tuyến cơ sở trong cuộc chiến đầy cam go, gian nan và rất nhiều thách thức chưa có tiền lệ này.

Chú thích ảnh
Tổ COVID-19 cộng đồng phường Đa Kao (Quận 1) hỗ trợ công tác ghi dữ liệu xét nghiệm COVID-19 tại Trạm y tế phường Đa Kao. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện gần 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát ở nhiều nơi, trong đó có TP Hồ Chí Minh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị ở nước ta từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Cùng với rất nhiều "binh chủng" tham gia lực lượng tuyến đầu, có lẽ đội ngũ cán bộ cơ sở là một trong những "binh chủng" quan trọng, luôn thường trực ở tuyến đầu, trấn ngữ phòng tuyến cơ sở trong cuộc chiến đầy cam go, gian nan và rất nhiều thách thức chưa có tiền lệ này. Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều hạn chế, khó khăn, diễn biến dịch bệnh phức tạp, đội ngũ cán bộ cơ sở đã không quản ngại vất vả, nguy hiểm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng "chiến đấu” trong cuộc chiến với “kẻ thù” vô hình - virus SASR-CoV-2, qua đó hướng đến mục tiêu tối thượng “bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng” nhân dân, sớm đưa thành phố nói riêng, đất nước ta nói chung trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Từ “điểm nóng” TP Hồ Chí Minh - nơi là tâm dịch COVID-19 của cả nước trong nhiều tháng qua, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết ghi nhận về công việc hàng ngày cũng những đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ ở cơ sở - những “chiến sỹ” tiên phong trên các “pháo đài” phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Khẩn trương nhập cuộc  

Không phải đến khi Chính phủ xác định “mỗi phường, xã là một pháo đài” thì chúng ta mới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phòng tuyến này, mà ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, địa bàn phường, xã, thị trấn đã luôn là một “trận địa” quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Với vai trò, vị trí là cấp hành chính gần và sát người dân nhất, đội ngũ cán bộ ở phường, xã, thị trấn vốn dĩ đã “trăm công nghìn việc”, nay trong điều kiện dịch bệnh lại phải “gánh” thêm rất nhiều công việc khác, không phân biệt vị trí việc làm, luôn sẵn sàng “xắn tay” làm bất cứ công việc nào, bất kể thời gian, giờ giấc để bám sát "trận địa” khi người dân cần. 

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, để giải quyết, xử lý khối lượng công việc phát sinh khổng lồ, nhiều cán bộ, công chức ở cơ sở đã phải tạm gác lại công việc gia đình để tập trung cho công việc chung, nhiều tháng trời không được gặp người thân. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh dịch bệnh, đội ngũ cán bộ cơ sở đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân.

Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND Phường 6, quận Gò Vấp, cho biết: Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, căn cứ vào chỉ đạo của UBND Thành phố và Quận, UBND Phường 6 đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác điều phối chung, Tổ trực hành chính phản ứng nhanh, Tổ tuần tra, giám sát trên địa bàn, Tổ trực chốt tại các địa điểm phong tỏa, Tổ điều hành khu cách ly tập trung F1, Tổ hậu cần… Mỗi tổ công tác luôn có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên cho từng cán bộ.

Đồng thời, Phường cũng tổ chức, xây dựng các phương án cho cán bộ, công chức, viên chức lao động tại UBND Phường 6 làm việc kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, chủ động sử dụng công nghệ thông tin khi làm việc ở nhà, phản hồi ngay khi có cuộc gọi nhỡ của người dân… “Tất cả mọi người tích cực tham gia phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường, không phân biệt chức trách, nhiệm vụ được giao, vị trí công tác nào để tận dụng được tất cả các ý kiến tốt nhất”, ông Phan Đình An chia sẻ.

Tại địa bàn Phường 8, Quận 4 có hơn 17.000 dân với phần lớn là dân lao động nhập cư, tạm cư. Tuy nhiên, phường chỉ có 38 công chức, viên chức, người lao động, có thời điểm “hụt mất” 4 viên chức do phải đi cách ly y tế. Bà Nguyễn Lê Kim Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 8 cho hay: Chỉ riêng công tác an sinh và phát tiền hỗ trợ cho người dân đã chiếm hơn nửa thời gian công việc ở phường do các văn bản này khi triển khai đến các địa phương cần phải rà soát đúng người, đúng đối tượng, kể cả trường hợp đang cách ly tập trung để tránh sai sót. 

“Lực lượng công chức phường trong suốt thời gian qua dường như đã kiệt sức. Do làm liên tục, làm ngày làm đêm nên cán bộ cơ sở không kịp tái tạo sức lao động. Điển hình như việc nhập liệu thì chỉ có một người, bởi đòi hỏi phải có tính chuyên môn sâu, biết phân tích để tránh trường hợp thiếu sót hay trùng lắp nên anh em dù muốn giúp cũng không thể giúp được. Tuy nhiên, tất cả đều cố gắng để lo cho người dân trên địa bàn một cách tốt nhất”, bà Nguyễn Lê Kim Phượng biết thêm.

“Các công việc trong thời gian qua rất nhiều, đan xen lẫn nhau và diễn ra xuyên suốt liên tục, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát và giãn cách xã hội kéo dài. Hầu hết các lực lượng tham gia đều làm việc, ăn ở tại trụ sở làm việc của cơ quan suốt mấy tháng trời. Cũng may, có thêm lực lượng tăng cường như bộ đội, quân y, lực lượng tình nguyện của các sở, ngành thành phố, quận và địa phương, cùng các cô, chú nghỉ hưu với hơn 100 người mới đảm đương toàn bộ các công việc trên, phục vụ cho hơn 2.000 nóc nhà với gần 13.000 nhân khẩu”, ông Phan Thái Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy Phường 2, quận Phú Nhuận, cho biết. 

Huyện Củ Chi là một trong những địa bàn đầu tiên của TP Hồ Chí Minh kiểm soát dịch trước ngày 15/9 theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP, trong đó có vai trò đặc biệt của các “pháo đài” các xã trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Công Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, cho biết: Xã Phước Thạnh giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, nên công tác kiểm soát, phòng, chống dịch luôn được giám sát và thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. Hầu hết lực lượng của xã, từ cán bộ lãnh đạo đến các công chức, công an, quân đội, đoàn thể đều phải “tăng ca” liên tục để triển khai các công việc trên địa bàn, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội, phát sinh nhiều công việc liên quan đến người dân.

Tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, bà Trần Thị Hồng, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Để tăng cường bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”, Đảng ủy phường An Khánh tập trung chỉ đạo việc phát huy tốt năng lực của các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức các tổ tự quản, đi chợ thay; huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các hộ nghèo, khó khăn… qua đó giúp người dân an tâm ở nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. “Do lực lượng cán bộ cơ sở rất mỏng nên gặp không ít khó khăn, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. Khâu nặng nhất và mất nhiều thời gian nhất là đi chợ giúp người dân bởi khối lượng công việc quá lớn. Các anh em trong đơn vị đều nỗ lực làm việc trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, quyết tâm đảm bảo phòng, chống dịch”, bà Trần Thị Hồng chia sẻ. 

Để có nguồn lực hỗ trợ công tác này, Đảng ủy phường An Khánh đặc biệt coi trọng công tác vận động đội ngũ đảng viên ở địa bàn tham gia các hoạt động chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người dân. Theo bà Trần Thị Hồng, nhiều đảng viên, người dân đã không quản nắng mưa, đêm hôm vất vả cùng với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ, trao tặng gói an sinh cho các hộ gia đình khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời tổ chức, tham gia các hoạt động bảo vệ, mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” trên địa bàn phường”.

Khi chiến lược phòng, chống dịch được chuyển hướng trọng tâm xuống phường, xã, thị trấn thì công việc ở địa bàn cơ sở cũng tăng lên gấp bội. Lực lượng chống dịch cơ sở “bao trọn” các nhiệm vụ, vừa phải chăm sóc y tế cho người bệnh, quản lý các ca F0, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng dịch COVID-19, kiểm tra giám sát khu vực phong tỏa, cách ly, chăm lo y tế cộng đồng, an sinh xã hội hằng ngày, rồi khảo sát thống kê các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phát tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, triển khai công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Với khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy, tất cả mọi nguồn lực từ con người đến trang thiết bị, phương tiện đều được huy động ở mức tối đa, luôn trên 100% công suất.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Trung (quận Tân Phú) cho biết: Dù lực lượng ít hay nhiều nhưng tất cả đều phải đảm nhận và thực hiện toàn bộ nhiệm vụ liên quan tại địa bàn dân cư. Khu vực nào ít ngõ ngách thì lực lượng cơ sở cùng chính quyền địa phương thực hiện dễ dàng hơn, đảm bảo mọi hoạt động hiệu quả và chu đáo hơn. Ngược lại, nơi nào nhiều ngõ ngách, dân cư đông, người lao động nhiều hoặc nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng thì việc kiểm soát dịch bệnh, an sinh xã hội hay việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ khó khăn bội phần. 

Kiên trì bám sát “trận địa” 

Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, đặc biệt là với biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, không chỉ các nhân viên y tế, mà đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng đang hằng ngày phải đối diện với nỗi lo có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Bởi công việc, hằng ngày họ phải tiếp xúc rất nhiều đối tượng, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác chống dịch, đồng thời chăm lo cho người dân. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 2 (quận Tân Bình) Võ Thị Phi Yến cho biết: “Nguy cơ trở thành F0 đã được các cán bộ cơ sở xác định ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Tuy nhiên, việc mà chúng tôi lo lắng hơn cả không phải là cho bản thân mình, mà là lo cho gia đình và những F0 khác ngoài cộng đồng còn cần mình hỗ trợ”. Đây là tinh thần chung mà rất nhiều cán bộ cơ sở đã xác định rõ ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, gây hậu quả nặng nề tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. 

Sau những ngày đi tầm soát F0, tuần tra địa bàn, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, chị Yến cũng không tránh được virus SARS-CoV-2. Nhớ lại thời gian này, chị Võ Thị Phi Yến cho biết: "Khi nguồn cán bộ y tế tại chỗ thiếu hụt, qua nhiều ngày quan sát nhân viên y tế làm và được anh em ngành y tế tập huấn ngắn hạn, tôi cũng đã trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân. Do làm việc bất kể thời tiết nắng mưa và lại tiếp xúc trực tiếp với nhiều F0, bản thân tôi và gia đình cũng không may đã trở thành F0 lúc nào không hay". 

Gặp chúng tôi sau khi đã hoàn thành việc điều trị, cách ly để trở về với công việc hằng ngày, chị Võ Thị Phi Yến tiếp tục “xông pha”, tất bật xử lý công việc thường nhật với chiếc điện thoại luôn ở trạng thái “nóng máy” cả ngày, thậm chí đến nửa đêm vẫn có người dân gọi đến. “Đó là những ngày bình thường trong mùa dịch của cán bộ cơ sở. Ngay cả khi bị bệnh, khi nào khỏe lại một chút, mình lại cố gắng giải quyết, chỉ đạo công việc từ xa để hỗ trợ anh em, chăm lo cho người dân”, chị Võ Thị Phi Yến bộc bạch.

Cũng trở thành F0 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 2 (quận Tân Bình) Lê Thị Hằng Loan đã phải tạm gác lại công việc trực tiếp mỗi ngày để điều trị bệnh. “Những ngày cách ly điều trị, cùng với lo cho cha, mẹ, em gái và cháu cũng mắc COVID-19, tôi vẫn cố gắng tiếp tục hỗ trợ xử lý một số công việc của người lãnh đạo Mặt trận", chị Lê Thị Hằng Loan cho biết.

Chiến thắng bệnh tật, đặc biệt là vượt qua nỗi buồn mất đi người cha thân yêu của mình do mắc COVID-19 khi tuổi đã cao, nhưng chị Lê Thị Hằng Loan đã nhanh chóng quay lại với công việc với tâm niệm chăm lo cho người dân tốt hơn. “Tôi đã phải nén đau thương bởi lúc đó tôi đang trong thời gian cách ly điều trị COVID-19, không thể chăm sóc cho cha những phút cuối đời. Khi hết thời gian điều trị, tôi tiếp tục trở về cơ sở để sát cánh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đó là chăm lo công tác an sinh cho người dân tại địa bàn được tốt hơn”, chị Lê Thị Hằng Loan chia sẻ.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, xác định rõ vai trò của mình trong công tác xây dựng, củng cố các “pháo đài” ở phường, xã, cũng như tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”, đội ngũ cán bộ cơ sở ở TP Hồ Chí Minh đã kiên trì “bám sát trận địa” trong bất cứ hoàn cảnh nào, qua đó góp phần vào những thành quả tích cực, kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện nay.

“Các cán bộ cơ sở không phải là "siêu nhân", cũng có lúc bị thương và kiệt sức, cũng cần được nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng mới có sức lo cho dân. Vì vậy, người dân dù đang khó khăn cũng gắng chờ cán bộ cơ sở, chính quyền, bởi tinh thần chung của Thành phố đã quán triệt “không bỏ ai lại phía sau” trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”, chị Võ Thị Phi Yến chia sẻ.

Bài 2: Củng cố vững chắc các “pháo đài”

Anh Tuấn - Xuân Tình - Thanh Vũ (TTXVN)
Tiên phong nơi 'pháo đài' chống COVID-19 - Bài cuối: Sẵn sàng cho tâm thế thích ứng an toàn
Tiên phong nơi 'pháo đài' chống COVID-19 - Bài cuối: Sẵn sàng cho tâm thế thích ứng an toàn

Với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã được Chính phủ xác định, cùng với chiến lược xác định “mỗi phường, xã là một pháo đài” trước đó, có thể nói vai trò, vị trí của các “pháo đài” ở phường, xã, thị trấn ngày càng quan trọng và đặt ra những yêu cầu cao hơn để mọi hoạt động trong điều kiện “bình thường mới” được tổ chức an toàn, chắc chắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN