Các đối tượng bị ảnh hưởng được hỗ trợ lần này gồm: Người lao động tự làm hoặc làm thuê thuộc các nhóm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm công việc thu gom rác, phế liệu; làm công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; người bán lẻ xổ số lưu động; người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; lao động giúp việc gia đình; người tự làm hoặc làm thuê trong cơ sở làm đẹp.
Người phục vụ trong quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ bi-da, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, điểm truy cập Internet và trò chơi điện tử; phục vụ tại các cơ sở tập luyện thể dục thể thao; lao động giúp việc gia đình; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc thời vụ, khoán việc tại các doanh nghiệp bị mất việc làm thuộc lĩnh vực lưu trú, du lịch… cũng được hỗ trợ đợt này.
Điều kiện để nhận được hỗ trợ khi bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên, có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc phải tạm dừng hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian tạm ngừng việc từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, người lao động phải được công nhận cư trú hợp pháp tại địa phương...
Mức hỗ trợ được nhận là 1.500.000 đồng/người/lần và thực hiện hỗ trợ một lần. Thời gian hỗ trợ trong năm 2021.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lưu ý, mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ trợ theo chính sách cao nhất, không để xảy ra trùng lắp, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, triển khai, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc chi hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng chính sách và công bằng, khách quan.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực hướng dẫn thành phần hồ sơ thực hiện chính sách này theo nguyên tắc: Đơn giản, ngắn gọn, dễ thực hiện nhưng phải đảm bảo xác định chính xác, đúng đối tượng. Sở yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, hướng dẫn người lao động đủ điều kiện đăng ký đề nghị hỗ trợ.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 3.704 trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 3,8 tỷ đồng.