Thủy lợi cần biến thách thức thành cơ hội

Ngày 21/12, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, năm 2024 và các năm tiếp theo, Cục Thủy lợi cần biến thách thức thành cơ hội. Năm 2024, Cục cần xác định nếu có hạn hán thì cũng không phải là hạn hán lớn, chỉ cao hơn trung bình nhiều năm một chút, do đó phải coi đó là bình thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu để có các giải pháp như bình thường.
 
Thứ trưởng đánh giá cao Cục Thủy lợi đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Bộ giao, kể cả nhiệm vụ đột xuất cũng hoàn thành khá xuất sắc. Các hoạt động của Cục ngày càng có tính chuyên nghiệp, chất lượng, tính chịu trách nhiệm cao hơn, điển hình là việc khẳng định năm 2023 không xảy ra hạn hán.

Theo Thứ trưởng, Cục Thủy lợi đã hoàn thành Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bắt đầu triển khai các quy hoạch lưu vực sông. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch quốc gia.

Cục Thủy lợi cũng là điểm sáng trong thực hiện xây dựng cơ bản, giải ngân đạt cao nhất trong các đơn vị của Bộ. Kết quả giải ngân, tính đến 20/12 Cục đã giải ngân được 82,98% trong tổng số vốn với trên 1.754 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.

Riêng về lấy nước cho vụ Đông Xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Thứ trưởng  Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đơn vị phải cố gắng thực hiện được cam kết với tổng lượng xả khoảng 3,5 tỷ m3, thấp hơn vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 0,12 tỷ m3; thậm chí lượng xả phải thấp hơn nữa.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thủy lợi phải phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Bởi nếu không sửa được thì tất cả các công việc khác vẫn dừng lại, khó khăn của các công trình khai thác công trình thủy lợi vẫn không gỡ được, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, tính đến hết tháng 12/2023, trên cơ sở dự báo tình hình nguồn nước, mưa, lũ, với việc chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi hợp lý, ước diện tích lúa được tưới năm 2023 là 6,889/7,119 triệu ha.

Cùng với đó, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã tích cực vận hành công trình thủy lợi tiêu úng và không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, không có diện tích thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện xuống giống sớm từ tháng 10/2023 và cơ bản kết thúc trong tháng 12 để tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

Các đơn vị rà soát hiện trạng của 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi tại 45 tỉnh và tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả kiểm tra hiện trạng đập, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ năm 2023. Trong số đó, đặc biệt là danh mục 337 đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng nặng có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ; các công trình đập, hồ chứa nước sửa chữa nâng cấp phục vụ cho phòng, chống thiên tai bảo đảm an toàn đập, hạ du hồ chứa.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn năm 2023 là 57% (tăng 3% so với năm 2022), đạt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ.

Ông Lương Văn Anh cho biết, thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược thủy lợi Việt Nam; Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Cục Thủy lợi xác định trọng tâm năm 2024 là đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; chỉ đạo điều hành ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino. Cục cũng khai thác tổng hợp, đa mục tiêu các công trình thủy lợi và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi.

Cục Thủy lợi tập trung rà soát, lập hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủy lợi; đánh giá kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 114/2018/NĐCP ngày 08/9/2018 nhằm đồng bộ và tương thích với các luật có liên quan, đồng thời tạo hành lang pháp lý tốt cho quản lý lĩnh vực thủy lợi bền vững và có hiệu quả.

Để quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiệu quả, Cục Thủy lợi hướng dẫn, định hướng các đơn vị khai thác công trình thủy lợi khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, đa giá trị công trình thủy lợi nhằm tăng nguồn thu, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, các công trình tập trung mở rộng các sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác tính được giá và thu được tiền ngay có trong nhiệm vụ công trình như: cấp nước thô, tiêu thoát nước cho khu đô thị, khu công nghiệp...

Đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Thủy lợi xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở thống nhất, tổ hợp, tích hợp cơ sở dữ liệu đã có, từ các nhiệm vụ đang và sẽ thực hiện nhằm xây dựng một hệ sinh thái số phục vụ cho quản lý, điều hành của Cục và kết nối với các nền tảng số khác của bộ, ngành và địa phương. Cục xây dựng bản đồ trực tuyến phục vụ chỉ đạo, điều hành nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Đặc biệt là việc xây dựng hệ thống quản lý điều hành thông minh cho 5 hồ chứa: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, Ngàn Trươi và Ia Mơr. Hệ thống quản lý điều hành thông minh này sẽ được đưa vào sử dụng bước đầu từ năm 2024.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân của Cục Thủy lợi.

Bích Hồng (TTXVN)
Còn 3.392 điểm vi phạm công trình thủy lợi tại Hải Dương
Còn 3.392 điểm vi phạm công trình thủy lợi tại Hải Dương

Theo thống kê mới nhất của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có 3.600 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi và xả nguồn nước thải trái phép vào hệ thống. Các vi phạm công trình còn tồn tại là 3.392 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN