Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Khi thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận. Đây là thông tin do Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cung cấp tại Hội thảo về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.
Theo Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Cụ thể tại Việt Nam, theo số liệu cập nhật đến năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá...
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, từ năm 2019 đến nay, theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam đang áp dụng mức thuế 75% cho sản phẩm thuốc lá và chỉ áp dụng trên giá xuất xưởng, ví dụ bao thuốc bán lẻ 10.000 đồng thì giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 đồng. Việc tăng thuế thêm 5% chỉ làm giá bán tăng khoảng 300 đồng (3%) thấp hơn tốc độ lạm phát (4%) và mức tăng thu nhập (5%). Vì vậy, tác động đến hành vi hút thuốc gần như không đáng kể.
Tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam tính theo giá bán lẻ chỉ đạt 36%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo 70 - 75% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) hay Singapore (67,5%).
Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện ở mức rất thấp, khiến sản phẩm này dễ dàng tiếp cận với mọi đối tượng, đặc biệt là người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên. Đây là một trong những rào cản lớn đối với các nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tăng giá bán lẻ thuốc lá thêm 10% có thể giúp giảm mức tiêu thụ từ 4–5%. Đặc biệt với thanh thiếu niên nhóm nhạy cảm với biến động giá tỷ lệ sử dụng có thể giảm tới 10% hoặc hơn. Thế nhưng, khảo sát năm 2023 do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện cho thấy, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá dưới 10.000 đồng/bao, trong đó nhiều loại chỉ ở mức 7.000 - 8.000 đồng.
Với mức giá thấp như vậy, việc tiếp cận thuốc lá trở nên quá dễ dàng, kể cả với trẻ em và người mới hút. Người đã hút thì ít có động lực bỏ thuốc. Trong khi đó, giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Theo WHO, giá một bao thuốc phổ biến ở Việt Nam năm 2020 chỉ khoảng 0,9 USD, tương đương 2,8 USD theo ngang giá sức mua (PPP), xếp thứ 15/19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương.
Đáng lưu ý, từ năm 2010 - 2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tới 203%, trong khi giá thuốc lá chỉ tăng 56%. Sự chênh lệch này khiến thuốc lá ngày càng trở nên “rẻ” hơn trong tương quan với sức mua, góp phần làm gia tăng tiêu dùng.
Dù đã có những nỗ lực về chính sách, thuế và truyền thông, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ này đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 41,1% năm 2021 - mức giảm khiêm tốn và chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.
Với hơn 15 triệu người hút thuốc hiện nay, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề về y tế và kinh tế. Mỗi năm, thuốc lá gây ra khoảng 104.300 ca tử vong do hút trực tiếp hoặc hít phải khói thuốc thụ động.
Nguồn thu từ thuế thuốc lá hiện chưa đủ bù đắp cho chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động mà thuốc lá gây ra. Giá thuốc lá tăng chậm, trong khi thu nhập tăng nhanh khiến người dân đặc biệt là giới trẻ và người thu nhập thấp ngày càng dễ tiếp cận hơn với thuốc lá.
Thạc sĩ Phan Thị Hải cho rằng: “Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn. Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.
Cụ thể về mức thuế, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Áp dụng theo lộ trình này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành. Cụ thể theo mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có thể giảm xuống dưới 36%, còn ở nữ giới sẽ dưới mức 1,0%.